Xóa nhà tạm: Sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả để hỗ trợ đồng bào dân tộc an cư, lạc nghiệp

Xóa nhà tạm: Sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả để hỗ trợ đồng bào dân tộc an cư, lạc nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Trao nhà mẫu của Bộ Công an tặng hộ nghèo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: Trung Hiếu/TTXVN
Bên trong căn nhà nhỏ 65m2, mái tôn, lát gạch men và kiên cố tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ của gia đình anh Trần Phến (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm). Đây là một hộ nghèo, không đất sản xuất, các thành viên đều phải đi làm thuê kiếm sống, hoàn cảnh khó khăn, khó có cơ hội xây dựng nhà kiên cố. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm, cộng với số tiền tích lũy nhiều năm qua, anh xây dựng được căn nhà kiên cố trị giá 110 triệu đồng.
Anh Phến chia sẻ: Trước kia chưa xây dựng nhà thì hàng năm, vào mùa mưa, gia đình phải sống trong cảnh ngập úng, bất tiện trong việc sinh hoạt và lo lắng khi có dông. Giờ đây, có nhà mới kiên cố, mọi điều kiện sinh hoạt dễ dàng hơn, gia đình yên tâm lao động sản xuất, tích lũy cho tương lai.
Cách đó không xa, vợ chồng chị Thạch Thị Cẩm (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cũng được hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Hai vợ chồng chị đều sinh sống bằng nghề làm thuê, rất khó tích lũy để xây dựng nhà ở kiên cố. Chị cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có gia đình chị có được căn nhà kiên cố, hai vợ chồng yên tâm lao động sản xuất để tích lũy cho con đi học.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm Nguyễn Việt Chín thông tin, thị xã có 42 khách hàng vay vốn theo Nghị định 28 với tổng dư nợ cho vay hơn 2 tỷ đồng, góp phần cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ an cư, yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Tú Trần Phước Phi Bằng thông tin, đồng bào Khmer ở huyện chiếm 24,59% dân số (7.482 hộ với 32.253 người). Thời gian qua, Phòng đã giải ngân 122 trường hợp với số tiền gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28.
Hộ chị Thạch Mỹ Ngân (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) trước đây làm nghề mua bán nhỏ các loại rau, củ ở chợ nông thôn. Cuối năm 2022, chị tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi 20 triệu đồng để chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Gia đình chị quyết định thuê 4.000m2 đất ruộng để trồng sen lấy hoa, gương, củ và ngó sen. Sau hơn 3 tháng trồng, ngó sen đã cho thu hoạch. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch từ 20-30kg ngó sen, thu nhập gần 500.000 đồng/ngày. Giờ đây, gia đình chị đã tích lũy được nguồn vốn, dự kiến sẽ mua 2000m2 đất để tiếp tục trồng sen.
Theo bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực hiện theo Nghị định số 28 của Chính phủ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chi nhánh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, nắm bắt đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để xây dựng kế hoạch, tập trung giải ngân đúng lúc. Đến nay, Chi nhánh đã giải ngân cho hơn 1.526 khách hàng, số tiền gần 63 tỷ đồng (hỗ trợ nhà ở cho 719 khách hàng, số tiền gần 27 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 806 khách hàng, số tiền 37 tỷ đồng).
Với trách nhiệm là cơ quan thực thi chính sách tín dụng ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tranh thủ nguồn vốn ủy thác từ Trung ương và ngân sách địa phương để tập trung tối đa nguồn lực để thúc đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm. Theo kế hoạch vốn năm 2025, các địa phương sẽ tiếp tục giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi với đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền khoảng 30 tỷ đồng, nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh...
Tuấn Phi (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/dia-phuong/xoa-nha-tam-su-dung-von-uu-dai-hieu-qua-de-ho-tro-dong-bao-dan-toc-an-cu-lac-nghiep-20241006083455658.htm