Xôn xao chiếc 'van nước' kỳ lạ trên sông Tô Lịch

Xôn xao chiếc 'van nước' kỳ lạ trên sông Tô Lịch
5 giờ trướcBài gốc
Tạo cảnh quan sông Tô Lịch
Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, đài vọng cảnh hình bát giác, làm bằng đồng, dưới nền đá, mái chùa giống như nơi ngắm cảnh hồ trong những bộ phim dã sử. Đài vọng cảnh này được xây dựng nổi bên trên đập dâng sông Tô Lịch (phường Thanh Liệt, Hà Nội).
Vọng cảnh hình mái chùa được xây dựng bên trên đập dâng sông Tô Lịch đoạn qua phường Thanh Liệt.
Trao đổi với Báo Xây dựng, lãnh đạo Ban quản lý các dự án Nông nghiệp cho biết, vọng cảnh sẽ che khuất đi đập dâng bên dưới và đồng bộ với định hướng hồi sinh sông Tô Lịch như Sông Seine (Pháp), có quán cafe, du lịch tâm linh, ăn uống, ẩm thực, cà phê, du thuyền.... Đập chỉ là một góc nhỏ trong định hướng đó.
Đập dâng sông Tô Lịch được xem là giải pháp ứng phó với tình trạng sông Tô Lịch có nguy cơ cạn kiệt sau khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoạt động, thu gom gần như toàn bộ lượng nước thải đổ vào sông, nhưng không bổ cập trở lại.
Đập dâng được ví như một "van điều tiết" giúp giữ và điều chỉnh mực nước sông, nhất là vào mùa khô. Khi lưu lượng nước giảm, đập sẽ giữ lại một phần nước nhằm duy trì dòng chảy và mực nước tối thiểu, tránh tình trạng khô cạn lòng sông.
Không chỉ giữ nước, công trình còn góp phần cải thiện chất lượng nước, giảm ô nhiễm nhờ tăng cường lưu thông dòng chảy.
Đập dâng có chức năng tương tự đập tràn hay cống có cửa van, kết cấu ngăn nước của đập bằng túi cao su liên kết với móng đập, có thể điều chỉnh mực nước bằng cách bơm hoặc xả khí, nước vào túi. Đập dâng cao su có nhiều ưu điểm so với đập truyền thống như chi phí thấp, thi công nhanh, chịu được lún không đều và có thể xả lũ tốt.
Do đặc thù sông Tô Lịch có độ dốc đáng kể, chênh lệch cao độ đáy sông tại điểm đầu đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối Thanh Liệt khoảng 2m nên lượng nước bổ cập vào sông với lưu lượng thấp không đủ tạo dòng chảy và dâng nước trên toàn bộ chiều dài sông. Hiện tổng khối lượng toàn công trình đã đạt hơn 70%. Dự kiến, đập dâng sông Tô Lịch sẽ hoàn thành trước tháng 8/2025.
Lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho hồ Tây, sông Tô Lịch
Hai Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn vừa đồng chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch và việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Thường cho biết, đến nay (7/7), Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn I việc nạo vét bùn lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình) với chiều dài tuyến khoảng 7km, khối lượng khoảng 49.914m3. Dự kiến, trong tháng 8/2025, sẽ hoàn thành giai đoạn 2 (từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang) với chiều dài 5km, khối lượng khoảng 11.800 m3.
Công nhân đang nạo vét lòng sông Tô Lịch.
Về nội dung đấu nối 63 cửa xả còn lại dọc sông Tô Lịch (bổ sung thu gom cửa xả từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập dâng), đến nay, đã hoàn thành đấu nối 19/63 cửa; đang thực hiện 42/63 cửa. Dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 7/2025, để thực hiện chỉnh trang sau quá trình thi công trong tháng 8/2025.
Các cửa xả còn lại từ khu vực đập dâng đến cuối sông Tô Lịch (ngã ba sông Tô Lịch, Nhuệ) phía bờ phải sông Tô Lịch còn khoảng 10 cửa xả, bờ trái hạ lưu sông Kim Ngưu còn khoảng 63 cửa xả, Ban Quản lý dự án nghiên cứu đề xuất dự án riêng về Yên Xá.
Đối với công tác chỉnh trang vệ sinh môi trường, cây xanh 2 bên sông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội và các nhà thầu thực hiện công tác duy trì cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ trên tuyến đường Láng và dọc bờ sông Tô Lịch thường xuyên, liên tục, đảm bảo tần suất theo quy định.
Về phương án bổ cập nước sông Tô Lịch, trước mắt, sử dụng nguồn nước từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, Sở Xây dựng đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước bổ cập từ sông Hồng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu từ nay đến trước ngày 30/8, các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải triển khai xong toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang 2 bên sông.
Đặc biệt, hồi sinh sông Tô Lịch, bổ cập nước cho sông Tô Lịch, việc lấy nước từ hồ Tây phải nghiên cứu, đảm bảo đủ công suất, nghiên cứu phân tích kỹ mẫu nước, đánh giá để không làm biến đổi thủy văn môi trường nước. Cùng với đó, phối hợp với đập dâng khu vực hạ nguồn Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tạo ra được nguồn nước bổ trợ thêm vào sông Tô Lịch.
Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh việc lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho hồ Tây và sông Tô Lịch là chủ trương lớn nên cần phải được kiểm soát, đánh giá chặt chẽ về tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, khai thác vận hành, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng… Bổ cập nước vào hồ Tây phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường thủy văn, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ
Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô , đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Đại Thanh. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.
Để "hồi sinh" sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã nhiều lần thử nghiệm, triển khai đề án cải tạo, làm sạch nước sông. Điển hình, TP Hà Nội đã đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Sau 8 năm xây dựng, ngày 1/12/2024, Hà Nội bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngày đêm. Thời gian vận hành thử trong vòng 6 tháng. Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ làm "sống lại" sông Tô Lịch.
Nguyễn Hùng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/xon-xao-chiec-van-nuoc-ky-la-tren-song-to-lich-192250708100531996.htm