Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, tổng mức đầu tư là 2.219 tỷ đồng, do Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF, thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công xây dựng trên diện tích 24,62ha tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vào tháng 9/2009.
Được đầu tư công nghệ hiện đại, nhà máy từng được xem là cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất miền Trung, với công suất tối đa đạt 100.000m3/năm (tương đương 80.000 tấn ethanol), sử dụng nguyên liệu chính là sắn lát khô (khoảng 230.000 tấn/năm) để sản xuất ethanol sinh học pha chế xăng E5, phân phối ra thị trường.
Năm 2014, nhà máy được đưa vào vận hành thương mại, mỗi ngày cho ra 330 tấn sản phẩm ethanol, góp phần thúc đẩy thị trường xăng sinh học E5 cho cả nước.
Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng, tháng 4/2015, nhà máy này phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài và đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Sau 3 năm đóng cửa, BSR-BF ký hợp đồng hợp tác với một công ty, tái khởi động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất trong hai đợt ngắn (từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019), sản xuất khoảng 2.000 m3 ethanol. Tuy nhiên, sau đó lại rơi vào tình trạng đình trệ và tiếp tục ngừng hoạt động cho đến nay.
Sau nhiều năm “đắp chiếu”, nhiều hạng mục và thiết bị của nhà máy đã xuống cấp nghiêm trọng, hoang phế, rỉ sét, gây lãng phí rất lớn.
Một số hình ảnh về hiện trạng nhà máy ghi nhận vào ngày 14/7:
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất hoang vắng, xuống cấp sau thời gian dài ngừng sản xuất.
Cổng ra vào nhà máy thuộc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) luôn đóng kín. Theo PVN, BSR-BF gồm các cổ đông: BSR góp 61% vốn điều lệ, PV OIL góp 38,75% vốn điều lệ, Petrosetco góp 0,25% vốn điều lệ.
Bị bỏ hoang lâu ngày, nhiều hạng mục của dự án đã có dấu hiệu xuống cấp.
Ống khói của lò đốt nằm im lìm suốt nhiều năm qua.
Các bể chứa trị giá hàng chục tỷ đồng nằm phơi nắng mưa suốt thời gian dài.
Các ống dẫn giữa các bồn lớn phía trong nhà máy đã ngả màu, nhiều hạng mục hư hỏng.
Khu nhà điều hành vắng bóng người, chỉ có vài bảo vệ túc trực để giữ gìn tài sản.
Nhà máy được áp dụng công nghệ sản xuất ethanol của APTI, Mỹ.
Tuy nhiên, đến nay công trình, máy móc giờ chỉ còn là những khối sắt thép, bê tông trơ trụi
Cỏ mọc um tùm khắp nơi.
Khu xử lý nguyên liệu, nhiên liệu sinh học đang dần xuống cấp, rỉ sét.
Khung cảnh hoang tàn của nhà máy nghìn tỷ khiến ai thấy cũng xót xa.
Tại hội nghị sơ kết công tác cung ứng xăng dầu 6 tháng đầu năm 2025 (ngày 24/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công xây dựng lộ trình triển khai sử dụng xăng sinh học E10, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026.
PVN cũng thông tin sẽ tái khởi động nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất để đảm bảo nguồn cung.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lương Kim Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, cho biết chưa nhận được thông tin từ phía PVN về việc sẽ tái khởi động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất.
Theo ông Sơn, quan điểm của đơn vị và địa phương là mong muốn dự án sớm được tháo gỡ, khởi động trở lại để không lãng phí cả nguồn vốn, đất đai... Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.