Giảm ô nhiễm ở Hà Nội, ngoài cấm xe máy xăng cần thêm các giải pháp gì?

Giảm ô nhiễm ở Hà Nội, ngoài cấm xe máy xăng cần thêm các giải pháp gì?
21 phút trướcBài gốc
Giải pháp đặt ra nhiều nhưng còn lúng túng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó Chính phủ yêu cầu Hà Nội cần xử lý quyết liệt hơn nữa và có lộ trình cụ thể để giải quyết tổng thể bài toán ô nhiễm ở Thủ đô chứ không chỉ riêng việc cấm, hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trước Chỉ thị này, Hà Nội cũng đề ra nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm phát thải như chủ trương thu phí xe ra vào nội đô thành phố trong giờ cao điểm, rồi chủ trương kiểm soát, đo nồng độ khí thải của ô tô, xe máy... Đây đều là những chủ trương lớn tác động đến cuộc sống của hàng triệu người dân.
Ông Đỗ Cao Bảo - đồng sáng lập FPT cho rằng "Các chủ trương trên có vẻ đang chồng chéo và phủ định lẫn nhau. Nếu cấm xe chạy xăng, dầu vào nội đô thì không cần thu phí xe ra vào nội đô nữa vì khi ấy trong nội đô làm gì có xe chạy nữa đâu mà thu phí ra vào. Nếu cấm xe chạy xăng, dầu chạy trong nội đô thì việc kiểm soát, đo nồng độ khí thải của ô tô, xe máy không còn cấp thiết nữa. Cá nhân tôi có cảm giác các cơ quan chức năng đang rất quyết liệt trong việc đề ra các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí từ nguồn khí thải của các phương tiện giao thông nhưng lại rất lúng túng trong các biện pháp thực hiện, nên lúc thì thu phí nội đô, lúc thì kiểm soát và đo nồng độ khí thải và giờ là lộ trình cấm xe máy chạy xăng, dầu đi vào nội đô".
Ông Đỗ Cao Bảo - đồng sáng lập FPT
Theo ông Đỗ Cao Bảo, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có 3 mục tiêu lớn cần phải làm quyết liệt, làm ngay và làm đồng bộ, đó là giảm ùn tắc giao thông đô thị, giảm ô nhiễm không khí, chỉnh trang văn minh và chất lượng cuộc sống đô thị. Đây là những vấn đề ở mức báo động, nguy hại đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của toàn dân. Chính vì vậy, nếu triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đạt những mục tiêu này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của đa số người dân. Vấn đề còn lại chỉ là phương thức và lộ trình thực hiện.
"Theo tôi, để đạt được những mục tiêu này chúng ta phải thực hiện đồng bộ các chương trình lớn như: Phát triển mạng lưới giao thông công cộng (metro, đường sắt đô thị, xe bus, cầu vượt sông, hầm chui…); Di dời các nhà máy, trường học ra ngoại ô; Làm thêm nhiều công viên, hồ điều hòa, trồng nhiều cây xanh trong đô thị; Hạn chế xe cá nhân (xe ô tô, xe máy) trong nội đô; Hạn chế xe chạy nhiên liệu hóa thạch và kiểm soát nồng độ khí thải của ô tô, xe máy; Kiểm soát, giảm ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, chất thải từ các làng nghề; Đường phố, vỉa hè xanh, sạch, đẹp, thông thoáng; Triệt tiêu bụi xây dựng và bụi từ đất cát trong đô thị; Xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt. Mỗi chương trình cần có những bước thực hiện, ngân sách, thời gian và thứ tự thực hiện chi tiết, trong đó có những chương trình có thể làm độc lập, làm ngay, có những chương trình cần phải làm đồng bộ với các chương trình khác", ông Đỗ Cao Bảo đề xuất.
Cần di dời ngay các nhà máy ra ngoại ô
Những chương trình mà ông Đỗ Cao Bảo chỉ ra có thể làm ngay, làm độc lập đó là: Di dời các nhà máy, trường học ra ngoại ô; Làm thêm nhiều công viên, hồ điều hòa, trồng nhiều cây xanh trong đô thị; Đường phố, vỉa hè xanh, sạch, đẹp, thông thoáng; Triệt tiêu bụi xây dựng và bụi từ đất cát trong đô thị; Xử lý rác và nước thải sinh hoạt; Kiểm soát, giảm ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, chất thải từ các làng nghề.
Một nhà máy tại quận Hoàng Mai (cũ), TP Hà Nội vẫn hoạt động và xả khí thải ra môi trường
Hiện tại Hà Nội như một đại công trường xây dựng, bụi xây dựng rất nhiều, đất cát từ các công trình xây dựng rơi vãi ra đường khi vận chuyển rất nhiều, chúng sẽ phát tán ra không khí khi gặp gió. Ở nhiều nước, xe vận chuyển vật liệu xây dựng buộc phải có vải che chắn kỹ đảm bảo không bị rơi vãi ra đường; xe phải xịt rửa sạch sẽ cả bánh và gầm xe mỗi khi ra khỏi công trường; tất cả đất trống đều trồng cỏ hoặc hoa. Hiện nay, nhiều nơi không kiểm soát tốt xe ra khỏi công trường có xịt rửa xe lẫn vải bạt che chắn đã đảm bảo chưa, đất trống trơ đất cát bị trôi ra đường khi mưa gió rất nhiều... Hầu hết các con đường phố ở Hà Nội hiện tại rất nhiều bụi bẩn và rác nhưng không được dọn vệ sinh thường xuyên.
Ngoài ra, những chương trình phải làm đồng bộ đó là phát triển mạng lưới giao thông công cộng; Hạn chế xe cá nhân (xe ô tô, xe máy) trong nội đô; Hạn chế xe chạy nhiên liệu hóa thạch và kiểm soát nồng độ khí thải của ô tô, xe máy, trong đó phát triển mạng lưới giao thông công cộng cần phải làm trước một bước.
"Nếu Hà Nội đưa ra một tài liệu có đầy đủ 3 mục tiêu cùng 9 chương trình như trên hoặc có thể nhiều hơn thì tôi tin rằng việc hạn chế xe ô tô cá nhân trong nội đô, kiểm soát và giảm nồng độ khí thải của ô tô - xe máy, chuyển dần sang xe điện đều để phục vụ cho cả 3 mục tiêu chung. Đều vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, vì thế nó dễ nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân", ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể như sau:
Về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị:
- Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội.
- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30/9/2025).
- Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).
- Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn:
- Xây dựng, triển khai đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại các đoạn sông, kênh, rạch khu vực nội thành; đề án thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, không lấy việc đẩy ô nhiễm sang khu vực khác thay cho xử lý ô nhiễm tại nguồn; phương án ứng phó khắc phục sự cố môi trường khẩn cấp đối với các nhà máy xử lý nước thải tập trung (xây dựng Đề án trong Quý III/2025) và quyết liệt thực hiện.
- Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách và có lộ trình cụ thể đến năm 2028 di dời các cơ sở sản xuất phát thải gây ô nhiễm ra khu sản xuất tập trung theo quy hoạch để bảo đảm xử lý nguồn thải theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định về tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải; xử lý nghiêm các khu đô thị chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (Thực hiện từ Quý IV/2025).
- Triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (Thực hiện từ Quý IV/2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo).
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách kết hợp huy động các nguồn xã hội hóa và có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho các hoạt động tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến hiện có tốt nhất; hình thành các khu vực công nghiệp tái chế và các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm giảm tỷ lệ rác thải phải chôn lấp, không để tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị (Thực hiện từ Quý IV/2025). (Trích Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025)
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/giam-o-nhiem-o-ha-noi-ngoai-cam-xe-may-xang-can-them-cac-giai-phap-gi-post1214946.vov