Giới nhiếp ảnh cả nước hành hương về thăm di tích Nhà thờ họ Đặng làng Thanh Lương
Tình cảm của danh nhân với quê hương
Huế tự hào là nơi sinh ra và lớn lên của danh nhân Đặng Huy Trứ. Đến nay vẫn còn nhiều làng quê in đậm dấu ấn của ông như: Làng Thanh Lương (thị xã Hương Trà) là nơi cụ chào đời; làng Hiền Sĩ (thị xã Phong Điền) là quê tổ của danh nhân và cũng là nơi có nhà thờ cùng với lăng mộ Đặng Huy Trứ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử; làng Lựu Bảo (quận Phú Xuân) là quê vợ của cụ. Các làng An Nông (huyện Phú Lộc); Ưu Điềm, Mỹ Xuyên (thị xã Phong Điền) là những nơi cụ Đặng Huy Trứ từng mở lớp dạy học. Làng Bác Vọng (huyện Quảng Điền) còn lưu giữ một cái chuông, là tự khí ở miếu Văn Thánh của làng… Ngoài ra, còn có một con đường mang tên Đặng Huy Trứ ở Huế (phường Trường An, quận Thuận Hóa) và trên mảnh đất thị xã Hương Trà có một ngôi trường mang tên Trường trung học phổ thông Đặng Huy Trứ.
Đặng Huy Trứ là nhà thơ lớn giữa thế kỷ XIX, một nhà thơ hiện thực, luôn lăn lộn với cuộc sống đời thường của “tứ dân, bách nghệ”, những người dân quê lam lũ, mộc mạc. Thơ đã theo cuộc đời ông từ khi còn đi học, dạy học, thi đỗ, làm quan, đi sứ… Đặng Huy Trứ còn làm nhiều bài thơ về các làng nghề thủ công truyền thống của Huế. Những vần thơ đó của cụ, đến nay nhiều làng nghề, địa phương ở Huế còn lưu truyền, thơ của danh nhân Đặng Huy Trứ cũng tạo tiền đề cho một số sản phẩm nghề khởi sinh…
Năm 1869, cụ Đặng Huy Trứ đã cho du nhập thiết bị ngành ảnh từ Hương Cảng (Trung Quốc) về nước mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, mở ra trang sử cho sự phát triển của ngành nhiếp ảnh mà cụ chính là ông Tổ nghề ảnh Việt Nam. Cụ Đặng Huy Trứ không chỉ có ý mở hiệu ảnh ở Hà Nội, mà còn muốn phát triển ra khắp cả nước, trước hết là ở Huế.
Tiếp nối truyền thống
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam khẳng định: “Chúng ta học được rất nhiều điều từ danh nhân Đặng Huy Trứ, trước hết là tinh thần canh tân, đổi mới sáng tạo. Nhiếp ảnh phải luôn gắn bó mật thiết với hiện thực đời sống và sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Đồng thời, mong muốn các cấp chính quyền địa phương quan tâm, sớm có quy hoạch và đầu tư mở rộng, tôn tạo khu di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ ngày càng khang trang, bề thế hơn, để nơi đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn trở thành một địa chỉ văn hóa quan trọng, một điểm đến du lịch thực sự xứng tầm với cội nguồn của nhiếp ảnh Việt Nam.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lưu Quang Phổ, Phó Trưởng ban Lý luận phê bình - Hội NSNA Việt Nam có ý tưởng rất đáng lưu ý: Xây dựng Huế trở thành một Thành phố Nhiếp ảnh; bởi Huế là nơi sinh ra Tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ; Huế có Trường Đại học Nghệ thuật là tiêu chí, là cơ sở để các thành phố nhiếp ảnh ở nước ngoài được vận hành một cách có căn cơ và chiều sâu trí tuệ; Huế là thành phố Festival, các Festival Huế thì từ lâu đã được cả thế giới biết đến. Năm 2023, Huế cũng đã tổ chức thành công một festival nhiếp ảnh quốc tế, một sự kiện thường thấy ở các thành phố nhiếp ảnh thế giới, nhưng còn khá hiếm ở Việt Nam. Một lợi thế rõ ràng và nổi bật nữa là Huế có một cộng đồng nhiếp ảnh có chiều sâu. Chi hội NSNA Việt Nam tại Huế, Hội Nhiếp ảnh TP. Huế là những đầu mối cực mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam.
Tư tưởng Đặng Huy Trứ vẫn đang được lưu truyền trong các thế hệ học sinh Trường PTTH Đặng Huy Trứ. Thầy hiệu trưởng Hoàng Phồn cho biết: “Hàng năm, trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm về danh nhân Đặng Huy Trứ như: thi kể chuyện tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp; tổ chức dâng hương, lao động vệ sinh chăm sóc di tích nhà thờ, mộ Đặng Huy Trứ. Nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường đã trở thành những cán bộ quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh tế, nhà quân sự, chiến sĩ, người thợ lành nghề trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho đất nước, góp phần xây dựng, điểm tô cho truyền thống của Trường THPT Đặng Huy Trứ ngày càng thắm tươi”.
Hồ Đăng Thanh Ngọc