Thị trường dường như nghỉ lễ sớm khi diễn biến ảm đạm xuyên suốt phiên giao dịch 29/4 với thanh khoản 'mất hút' và giằng co trong biên độ hẹp.
Cục diện thị trường chứng khoán Việt Nam tại phiên giao dịch 29/4.
Nỗ lực bứt phá cuối phiên của một số nhóm cổ phiếu riêng lẻ cũng không thể lan tỏa sắc xanh tới toàn thị trường khi thiếu mất yếu tố dẫn dắt của các ngành có sức ảnh hưởng lớn như ngân hàng, chứng khoán.
Tác động lớn nhất lên chỉ số được ghi nhận ở mã SAB khi giảm gần về giá sàn gây cản trở nỗ lực phục hồi, còn lại sức ảnh hưởng từ các cổ phiếu khác là không đáng kể. Nhìn chung, trạng thái thị trường có phần tương đương ngày 28/4 khi vận động bám sát đường MA10 (chỉ báo ngắn hạn 10 phiên gần nhất) và tiếp tục phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành.
Chuyên gia cho rằng, nếu những tin tức tiêu cực về thuế quan không xuất hiện trong khoảng thời gian tạm nghỉ của thị trường, VN-Index sẽ sớm quay trở lại chinh phục vùng cản 1,280 – 1,300 điểm. Phiên giao dịch ngày 29/04/2025 đóng cửa ở mức 1,226.30 điểm, giảm nhẹ 0.5 điểm (-0.04%) so với phiên trước.
Thanh khoản khớp lệnh xấp xỉ phiên giao dịch 28/4 và thấp hơn 43.2% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch 29/4, thanh khoản trên sàn HSX đạt 637 triệu cổ phiếu (-1.4%), tương đương giá trị giao dịch đạt 15,495 tỷ đồng (-9.7%).
Độ mở thị trường cân bằng với 9 nhóm ngành tăng điểm so với 12 nhóm ngành giảm điểm. Cảng biển (+3.45%), Nhựa (+0.99%) và Đường (+0.87%) là ba nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, Thực phẩm tiêu dùng (-1.74%), Thủy sản (-1.04%) và Thép (-0.48%) là ba nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.
Sau khi hạ tỷ trọng ở phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cân bằng trong phiên chiều, giá trị bán ròng ở thời điểm kết phiên đạt 253 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu chịu áp lực bán như: VIC -244 tỷ đồng, SAB -100 tỷ đồng và VPB -90tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các mã được khối ngoại mua vào là: VRE +158 tỷ đồng và MWG +132 tỷ đồng.
Về xu hướng chứng khoán 5/5, Báo cáo thị trường của Chứng khoán CSI nhận định: VN-Index có phiên đỏ điểm thứ 2 liên tiếp, song biên độ giảm điểm không đáng kể. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng suy giảm mạnh, khối lượng khớp lệnh thấp hơn (-43.2%) so với mức bình quân 20 phiên. Phần lớn các nhà đầu tư đều có tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài nên rất hạn chế giao dịch trong 2 phiên gần đây. Vì vậy 2 phiên giảm điểm vừa qua không có nhiều tác động đủ động lực để thay đổi xu hướng hồi phục trước đó.
Phiên 29/4 cũng là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4, tháng đánh dấu sự bất ngờ trước thông tin "Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam" được công bố, khiến VN-Index sụt giảm mạnh (-6.16%).
Điểm tích cực là so với mức đáy (1,073.6 điểm) được thiết lập trong tháng 4, VN-Index đã có sự hồi phục đáng kể khi đóng của tháng dừng lại ở mốc 1,226.3 điểm.
Ở thời điểm hiện tại, đã bắt đầu xuất hiện những thông tin tích cực về đàm phán và có nhiều kỳ vọng mức thuế đối ứng 46% sẽ được giảm xuống hơn phân nửa nên CSI duy trì tín hiệu tích cực về sự hồi phục của thị trường.
CSI cho rằng VN-Index có xác suất cao sẽ hồi phục lên ngưỡng kháng cự (1,270 – 1,300) điểm – Mốc điểm cân bằng trước khi thông tin thuế đối ứng được công bố.
Ở thời điểm hiện tại CSI tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và chờ đợi sự bùng nổ xác nhận xu hướng tích cực (VN-Index vượt qua mốc 1,247 điểm với khối lượng vượt mức bình quân 20 phiên) để gia tăng thêm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu.
Minh Tâm