Đón Giao thừa ở sân bay
Sau chuyến đi Nga 17 ngày vắt qua Tết, chị Chu Thu Hảo có mặt ở Hà Nội vào sáng 2/2 để sẵn sàng cho ngày đi làm đầu năm. Vừa qua tuổi 50, chị hội đủ các điều kiện về sức khỏe và tài chính để theo đuổi sở thích khám phá các vùng đất mới lạ khắp thế giới. Chị tận dụng tất cả ngày có thể nghỉ trong năm để du lịch. Chị có năm 2017 đạt kỷ lục: hoàn thành 5 chuyến du lịch nước ngoài. Đó cũng là lần đầu tiên chị du lịch vào dịp Tết Nguyên đán.
Chiều 29 Tết tại Hội An do chị M. ghi lại.
Trước đó, chị Hảo cũng rất coi trọng việc đón Tết cùng bố mẹ, gia đình. Có khi chiều 30 Tết chị cũng phải bắt máy bay từ TPHCM để về nhà ăn Tết. Độc thân, không vướng bận, người thân cũng ủng hộ chị đi chơi qua Tết. Chị cũng thường nhận được những thắc mắc sao lại có thể ăn Tết xa nhà. Chị sẽ trả lời: “Quê hương hay tình cảm với người thân ở trong tim mình. Không phải đi chơi Tết là không yêu quê hương, yêu gia đình”.
Tết năm ngoái, chị dành để khám phá Ai Cập. Giao thừa đến đúng lúc cả đoàn đang ở sân bay. Mọi người bỏ bánh, mứt, hạt bí… ra đón giao thừa bên nhau. Hảo không cảm thấy buồn hay nhớ nhà gì cả. Mặc dù nhóm bạn cũng chỉ là những người mới quen, cùng chung sở thích xê dịch mà kết nối với nhau qua mạng.
Chị Chu Thu Hảo có trải nghiệm xem opera tại Thủ đô nước Nga đúng Mùng 1 Tết Ất Tỵ. Ảnh: NVCC.
Chị nhận thấy phong tục ngày Tết đang dần thay đổi. Chẳng hạn ngày trước, mọi người không chỉ chúc Tết người nhà mà còn đến thăm nhà bạn bè thân thiết hoặc đồng nghiệp. Nay thì ngoài họ hàng, mọi người hầu như không còn sang nhà nhau. Những lời chúc được nhắn qua mạng. Theo chị: “Tự truyền thống cũng mất đi hoặc biến đổi khi xã hội phát triển, nên không thể nói vì du lịch Tết làm mất đi truyền thống đón Tết”.
Là cán bộ của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chị Hảo cho biết, công việc nhiều và ngày càng bận rộn. Chị phải chắt chiu từng ngày nghỉ cho những chuyến đi dài. Chị không thể bỏ qua một dịp nghỉ dài như Tết. Chị cho rằng, không nhất thiết phải giàu có mới có thể đi được những chuyến đi xa tới tận các châu lục khác. Đành rằng trong đoàn không hiếm người có điều kiện, nhưng như chị hoàn toàn đi bằng tiền tiết kiệm, thỉnh thoảng phải nhờ bạn bè “ứng trước”. Vì vậy chị gọi vui kiểu đi của mình là “du lịch trả góp”.
Năm nay, chị M. kế toán viên, nhà ở Cổ Nhuế, Hà Nội cúng tất niên từ 25 tháng Chạp để hôm sau cùng cả nhà du lịch xuyên Tết bằng xe nhà, vợ chồng thay nhau lái. Thay vì thắp hương Mùng 1, Mùng 4 Tết chị mới tự xông nhà. Nhờ đó mà chị có trải nghiệm cùng chồng xem pháo hoa đêm giao thừa ở cầu Rồng, Đà Nẵng. Trong khi ở Hà Nội, cả nhà lâu lắm không có dịp chen chân Bờ Hồ để xem bắn pháo hoa.
Chị M. cũng yêu thích và có ý thức giữ gìn các phong tục truyền thống ngày Tết, nhưng lại cảm thấy nhàm chán khi trải qua những ngày nghỉ Tết quanh quẩn ở nhà. Sau nhiều lần du lịch từ Mùng 2 Tết, năm nay chị làm cuộc “cách mạng”. Nhiều năm trước, chị cũng trải qua những năm tháng làm dâu, tuân thủ đầy đủ các phong tục của gia đình vào dịp Tết.
Trước chuyến đi năm nay chị M. cho biết làm “công tác tư tưởng” với hai bên nội ngoại thì ít, mà chủ yếu là chờ con gái đang là sinh viên và thích nghỉ Tết tại nhà đồng thuận. Tết cũng là lựa chọn tối ưu để gia đình có thể đi chơi chung. Vì đặc thù công việc của chị hay bận rộn vào dịp bọn trẻ nghỉ hè. “Tôi cũng thích đi chơi dịp Tết để biết phong tục những nơi khác như thế nào. Chuyến đi chơi Tết ở miền Trung vừa qua khiến tôi hài lòng trừ việc những quán ăn đặc sản, tiêu biểu cho ẩm thực địa phương lại đóng cửa ngày Tết”, chị M. kể.
Chị M. thuộc lứa cuối 7x cho biết, bạn bè xung quanh cũng chọn dịp Tết để du lịch trong ngoài nước cùng gia đình. Tất nhiên không phải ai cũng đi phượt mà sẽ cùng cả gia đình đến vui chơi ở một khu du lịch nào đó, vẫn đảm bảo “quy định” Tết là sum họp. Theo chị M. những phong tục ngày Tết đã phai nhạt ít nhiều nơi thế hệ 9x hay gen Z. “Với các thế hệ sau này, Tết chỉ là dịp nghỉ lễ”, chị M cho biết.
Năm nay, bố của TS. Lê Anh - MC, giảng viên Khoa Du lịch học (Trường ĐH KHXHNV Hà Nội) - có bước đột phá khi cùng con trai du xuân tận bên Lào từ Mùng 2 tới Mùng 5 Tết. Bố Lê Anh năm nay đã ngoài 80, ở tuổi mà người thân hay bạn bè đồng trang lứa cũng ít có điều kiện qua lại chúc Tết nhau. “Chắc chắn bố tôi mà đi chơi dịp Tết sẽ vui hơn so với ở nhà. Thế nhưng rủ ông đi cũng không dễ đâu vì tâm lý người già vẫn thích ở nhà canh miếu”, Lê Anh cho biết.
Lê Anh đi nhiều và cũng nghĩ tới một chuyến du lịch xuyên Tết. Theo anh, du lịch không có nghĩa là rời xa Tết, mà là cách để mở rộng không gian đón Tết. Nhưng là một chuyên gia du lịch, anh sẽ “khó tính” hơn một chút. Lê Anh muốn chọn một hành trình du xuân ý nghĩa, tới những vùng đất có những phong tục Tết hay mang một câu chuyện văn hóa đặc sắc. “Quan trọng không phải là mình ở đâu trong Tết, mà là mình giữ lại điều gì từ Tết trong lòng”, anh nhấn mạnh.
Nhưng tới lúc này anh vẫn chưa đi chơi xuyên Tết vì muốn giữ một sự cân bằng giữa đổi mới và truyền thống. “Tết không chỉ là câu chuyện của cá nhân, mà còn là dịp kết nối với gia đình, những người thân yêu. Có những giá trị thuộc về Tết Việt mà tôi vẫn muốn gìn giữ - cảm giác sum vầy, không khí đoàn tụ, những nghi lễ thiêng liêng mà nếu không trải qua, ta có thể đánh mất đi một phần ký ức văn hóa của chính mình”, anh chia sẻ.
Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi
TS. Trịnh Lê Anh (ảnh) cho rằng, quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” phản ánh tinh thần hưởng thụ sau một năm lao động vất vả của các cụ xưa, nhưng trong xã hội hiện đại, nó cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn. “Ăn chơi” không chỉ là tận hưởng vật chất, mà còn là cơ hội để làm giàu tinh thần, kết nối với gia đình, cộng đồng và truyền thống. Tháng Giêng là thời điểm đặc biệt, khi các lễ hội văn hóa diễn ra khắp nơi, mở ra không gian để con người tìm lại giá trị cội nguồn và tái tạo năng lượng sau những guồng quay của cuộc sống.
“Tuy nhiên, nếu ăn chơi kéo dài một cách thụ động, nó có thể trở thành lực cản cho sự bắt nhịp trở lại với công việc. Cái hay của Tháng Giêng không phải là nghỉ bao lâu, mà là nghỉ thế nào để cả tinh thần và thể chất đều được làm mới, để sau đó ta bước vào năm mới với động lực mạnh mẽ hơn. Giữ được sự cân bằng - vừa tận hưởng không khí Tết, vừa không để sự trì hoãn kéo dài - chính là cách áp dụng tinh thần của Tháng Giêng vào đời sống hôm nay một cách thông minh nhất”, Trịnh Lê Anh nói.
NGUYỄN MẠNH HÀ