Xu hướng rời nội đô về vùng ven

Xu hướng rời nội đô về vùng ven
5 giờ trướcBài gốc
Những cây cầu như Đông Trù đã khiến nhiều vùng ngoại thành trở nên gần khu vực trung tâm hơn bao giờ hết.
Sau khi ly hôn vợ, anh Hùng để lại căn chung cư ở Hạ Đình, Thanh Xuân cho ba mẹ con, một mình mua đất, xây nhà ở xã Đông Hội, Đông Anh, dù đây không phải là quê gốc.
Lý do không chỉ là giá nhà cao ngất ngưởng ở trung tâm, mà còn là mong muốn có không gian sống rộng rãi, thoáng đãng và gần gũi với thiên nhiên. "Tôi muốn có không gian riêng không bị bó hẹp bởi những bức tường bê tông”, anh Hùng nói.
Hỗ trợ cho quyết định của anh là các kế hoạch xây cầu của Thành phố Hà Nội: “Ngày trước chưa có cầu Đông Trù nghe đến Đông Anh là thấy xa xôi. Nhưng thực ra từ nhà tôi đến Hồ Gươm, nơi tôi làm việc, chỉ mất có 15-20 phút chạy xe máy”, là nhân viên làm việc ở một tòa nhà nhìn ra Hồ Gươm, Hùng cho hay.
Quyết định của anh Hùng không phải là cá biệt. Xu hướng rời bỏ trung tâm Hà Nội chật chội để chuyển ra vùng ven đô đang trở nên phổ biến. Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, riêng trong quý I/2024, 85% giao dịch bất động sản tại Hà Nội diễn ra ở các khu vực ngoài trung tâm. Điều này phản ánh sự thay đổi trong lựa chọn nơi ở của người dân, khi họ ưu tiên không gian sống chất lượng hơn là vị trí trung tâm.
Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng này là giá bất động sản ở trung tâm ngày càng cao khiến nhiều người không thể tiếp cận. Chẳng hạn, một căn hộ 70m² tại huyện Gia Lâm có giá khoảng 2,6 tỷ đồng, trong khi căn hộ tương tự tại quận Cầu Giấy có giá hơn 5 tỷ đồng . Sự chênh lệch này khiến nhiều người chuyển hướng tìm kiếm nhà ở tại các khu vực ven đô, nơi giá cả hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này. Các dự án như đường Vành đai 4, đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, và các cây cầu mới như Đông Trù, Nhật Tân đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối giữa trung tâm và vùng ven. Điều này giúp người dân dễ dàng di chuyển, làm việc và sinh sống ở các khu vực ngoài trung tâm mà không gặp nhiều bất tiện. “Sắp tới có cầu Tứ Liên thì từ nhà tôi đến khu vực Hồ Tây, Bưởi trở nên rất gần”, anh Hùng nói.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các khu đô thị mới ở ngoại ô với đầy đủ tiện ích cũng là yếu tố thu hút người dân. Chẳng hạn, khu Vinhomes Ocean Park thu hút hơn 50.000 cư dân sau 3 năm bàn giao.
Xu hướng rời nội đô không chỉ giới hạn ở người dân mà còn lan rộng đến các doanh nghiệp. Do giá thuê văn phòng ở trung tâm tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã chuyển trụ sở ra các khu vực cận trung tâm hoặc vùng ven, nơi có giá thuê hợp lý hơn và hạ tầng đang được cải thiện. Bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, sự khan hiếm văn phòng ở khu vực Hoàn Kiếm đẩy giá thuê tăng cao, trong khi khu vực cận trung tâm và phía tây vẫn có giá thuê cạnh tranh, hỗ trợ xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm.
Sau chuỗi 8 quý tăng trưởng liên tục, thị trường căn hộ sơ cấp Hà Nội đã ghi nhận dấu hiệu chững lại trong quý đầu năm 2025. Người mua dần dịch chuyển khỏi khu vực nội đô, hướng đến những địa bàn có mức giá phù hợp và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đơn cử như Văn Giang - Hưng Yên.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Group, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 4.000 căn và lượng tiêu thụ ở mức 3.000 căn, giảm 60–70% so với mức 11.000 - 12.000 căn của quý 4/2024. Đây là quý đầu tiên thị trường ghi nhận sự sụt giảm mạnh cả về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ kể từ quý 1/2023.
Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng One Mount Group nhận định, tâm lý người mua đang có sự dịch chuyển. Theo khảo sát của One Mount Group trong nhóm khách hàng chưa giao dịch bất động sản ở quý 4/2024, lý do chính vẫn là “chưa đủ tiềm lực tài chính”. Ngoài ra, mức giá bán đang ở ngưỡng cao so với khả năng chi trả trung bình cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua của nhiều người.
Ông Tiến nói đây là động lực thúc đẩy người mua mở rộng phạm vi tìm kiếm sang các khu vực lân cận hoặc xa hơn, nơi có mức giá phù hợp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sống và kết nối hạ tầng.
Trước thực trạng nguồn cung khan hiếm tại nội đô và các đại đô thị gần trung tâm Hà Nội, cùng với mặt bằng giá bán neo cao, thị trường đang ghi nhận xu hướng dịch chuyển nhu cầu sang các khu vực vệ tinh. Nổi bật trong số đó là Văn Giang - Hưng Yên – khu vực nằm sát phía đông Hà Nội, được hưởng lợi lớn từ hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và sự xuất hiện của nhiều đại đô thị quy mô hàng trăm hecta.
Theo dự báo từ One Mount Group, khu đông sẽ thay thế khu tây dẫn dắt nguồn cung căn hộ Hà Nội trong giai đoạn 2025–2026, với Văn Giang chiếm 29% tổng nguồn cung thị trường. Mức giá tại đây hiện khoảng 61 triệu đồng/m², thấp hơn đáng kể so với mức phổ biến ở khu vực nội đô Hà Nội.
Ông Trần Minh Tiến nhận định, sự gia tăng nhanh chóng về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở các khu vực lân cận cho thấy một bước chuyển rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, từ tập trung vào nội đô sang chấp nhận "ly tâm", miễn là đảm bảo chất lượng sống, tiện ích và mức giá hợp lý.
Cho đến nay, anh Hùng vẫn cảm thấy tự tin với quyết định của mình. “Cứ đến cuối tuần, bọn trẻ con lại từ Thanh Xuân qua ở với bố. Chúng nó rất thích, vì ở nhà bố có vườn, có sân, thứ mà ở nhà chung cư thì không bao giờ dám mơ”, anh nói.
Thủy Nguyễn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xu-huong-roi-noi-do-ve-vung-ven-10304909.html