Các cơ quan chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với các mặt hàng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm; sử dụng giấy tờ giả…
Về lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, năm 2024, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã thành lập hơn 260 đoàn thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh về thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành tốt bảo quản (GSP) và Bộ đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Mặc dù, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế ở nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội; hệ thống kiểm nghiệm còn hạn chế, việc quản lý của chính quyền cơ sở nhiều nơi còn bất cập, và các quy định pháp luật vẫn còn kẽ hở.
Cụ thể, trong lĩnh vực dược, thuốc giả có thể xâm nhập thị trường do việc mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ; quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe, đặc biệt với hàng hóa giá trị thấp, không đủ mức xử lý hình sự.
Việc sản xuất, buôn bán thuốc giả là hoạt động phi pháp nhưng lợi nhuận cao, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, sản xuất chui hoặc chia nhỏ địa điểm, dùng mạng xã hội để che giấu; một bộ phận người dân có thói quen tự mua thuốc, tự sử dụng theo lời khuyên hoặc quảng cáo trên mạng xã hội, có nguy cơ mua phải thuốc giả, không rõ nguồn gốc...
Ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức lợi nhuận cao từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả là động lực khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật; các đối tượng vi phạm lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế quản lý, nhất là trong đăng ký kinh doanh và tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm.
Đặc biệt, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi, khó bị phát hiện, bao gồm việc gắn mác nhập khẩu nhưng chất liệu thấp, sử dụng tem nhãn giả, lập mạng lưới phân phối rộng, lợi dụng người nổi tiếng, bác sĩ để quảng cáo sai sự thật, bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử với tính ẩn danh cao; nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn thấp, dễ nhầm lẫn giữa thực phẩm, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dễ tin vào quảng cáo sai sự thật, mua hàng qua mạng mà không kiểm tra nguồn gốc.
Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm còn mỏng và thiếu kinh phí dẫn đến việc xử lý vi phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế…
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đồng thời, cần nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Để thực hiện tốt Công điện số 65/CĐ-TTg, ngày 15/5/2025, của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày 17/5/2025, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; đặc biệt là, triển khai quyết liệt tháng cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ ngày 15/5 đến hết ngày 15/6/2025, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc bộ, sở y tế các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, hoàn thiện khung pháp lý và các quy định quản lý, xử lý, xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, không rõ nguồn gốc.
Đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn; khẩn trương thu hồi, xử lý trường hợp quảng cáo hoặc công bố thành phần chứa dược chất không đúng quy định; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường và quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, việc quảng cáo…
Mặt khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý các vụ đã phát hiện; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực y tế (thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế), trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm.
Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra nếu có dấu hiệu hình sự; tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về tác hại của thuốc giả, thực phẩm giả; phát động phong trào nhân dân tham gia hưởng ứng kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm…
Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Phạm Văn Duy kiến nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; đồng thời hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép hàng hóa.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý các vi phạm về lâm, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật giả; cần có biện pháp kiểm soát việc dùng chất kích thích tăng trưởng đối với các mặt hàng rau, quả, nhất là việc sử dụng hóa chất nhằm tăng trọng…
TRUNG TUYẾN