Ô nhiễm ngay dưới chân mình
Bàn giải pháp "cứu" bầu không khí ô nhiễm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hà Nội xảy ra từ lâu, đáng lo ngại gần đây, tình trạng này không giảm mà xu hướng tăng.
Người dân khi ra đường đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe trong những ngày Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Nhiều nguyên nhân gây nên ô nhiễm ở Hà Nội từ phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, xây dựng, công trình đô thị, rác thải... Thành phố đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng không giảm do ý thức người dân chưa cao và các giải pháp chưa đồng bộ.
Ông liệt kê ra nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trên thế giới mà Việt Nam có thể áp dụng. Phương pháp nào thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là niềm tin, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, với chính quyền.
Lấy ví dụ tại bang Maryland, Mỹ, chậu cây, bồn hoa không được để lộ đất bởi đây là xuất điểm đầu tiên của ô nhiễm. Luật nước này quy định, chỗ nào có đất trống, chỗ đó phải được che kín. Khi đó sẽ không còn điểm phát lộ để bốc lên bầu khí quyển. Họ cũng bắt đầu có những chính sách quyết liệt cấm xe xăng có thời gian sử dụng lâu năm, lượng phát thải lớn ra môi trường để chuyển dần sang xe điện.
PGS Hồi nhấn mạnh, giải pháp giảm ô nhiễm không khí rất nhiều nhưng cần sự đồng bộ và thể chế hóa. Chỉ khi thể chế hóa, có các chế tài xử phạt mạnh hành vi gây ô nhiễm môi trường, người dân mới tôn trọng phát luật. Khi nào kỷ luật đặt ra cao đến mức người dân tuân thủ, dần sẽ trở thành thói quen và hành động.
"Chúng ta hay hướng lên trời để nói về xử lý ô nhiễm không khí nhưng hãy nhìn xuống chân mình vì thực chất ô nhiễm bắt nguồn ngay từ đây", ông nói và đánh giá cao việc Tập đoàn Vingroup tiên phong phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh" hôm 10/1 vừa qua. Đây không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội mà còn bước đi mạnh mẽ khẳng định mục tiêu chung sức cùng với người dân và chính quyền trong giảm ô nhiễm không khí.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu 2 từ khóa tiên quyết để thực hiện thắng lợi “Vì Thủ đô trong xanh” là niềm tin và đồng lòng. Phải làm cho người dân tin thì họ mới hưởng ứng và đồng lòng cùng thay đổi hành động, thói quen hằng ngày để bảo vệ không khí.
Khí thải 'bức tử' Thủ đô
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô ngày càng trầm trọng. Vài tuần trở lại đây, Hà Nội luôn đối mặt với chất lượng không khí rất thấp, mức độ bụi mịn thường xuyên vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Nguyên nhân chính được các chuyên gia xác định là do lượng khí thải từ các phương tiện giao thông quá cao gây ô nhiễm, đặc biệt là các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từ thực tế này, UBND Thành phố xác định, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là 2 vấn đề thách thức lớn đặt ra với Thủ đô cần được ưu tiên xử lý sớm hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh".
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng chỉ ra nguồn phát bụi mịn chủ yếu từ các công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường sá vỉa hè và chiếm tỷ lệ lớn nhất là phương tiện giao thông chạy bằng xăng dầu. Với hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô động cơ đốt trong đang ngày đêm nhả khói "bức tử" không khí Thủ đô.
Về mức độ nguy hại của bụi mịn, ông Tùng cho hay, trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần/ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hàng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở, PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Số liệu về bụi mịn PM2.5 liên tục ở Hà Nội tuần qua vượt ngưỡng cho phép, đây không chỉ là những con số khô khan, mà chính là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt trẻ em, người già và người mắc bệnh mãn tính.
"Hà Nội đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng không khí", nếu không hành động ngay lập tức và quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau", ông Tùng cảnh báo. Mỗi phút chần chừ hôm nay đều đang góp phần làm nặng thêm gánh nặng môi trường mà con cháu chúng ta phải gánh chịu ngày mai.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài hơn tuần qua, nhiều điểm đo ghi nhận chỉ số AQI ngưỡng tím, mức rất xấu. (Ảnh: Đắc Huy)
Thủ đô xanh - trách nhiệm không của riêng ai
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội xác định mục tiêu trước 2035 toàn bộ 100% phương tiện xe buýt trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch. Hà Nội sẽ nghiên cứu thực hiện thí điểm cơ chế chính sách hạn chế xe máy cũ và khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để người dân chuyển qua sử dụng xe máy, xe đạp điện.
"Có thể nói cả hệ thống chính trị thành phố đã và đang vào cuộc với quyết tâm cao nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thách thức này không thể chỉ giải quyết bằng nỗ lực của chính quyền mà cần sự tham gia chung tay góp sức của toàn dân, toàn xã hội", ông Quyền nói.
Hôm 10/1, mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều quận, huyện như Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Đông Anh... vượt mức đỏ (chỉ số ô nhiễm không khí AQI là 151-200), chuyển sang tím (201-300), mức rất xấu. (Ảnh: Ứng dụng AirVisual)
Hiểu được những thách thức trong công tác giảm ô nhiễm môi trường, ông đánh giá cao tâm huyết của Tập đoàn Vingroup khi phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh". Đây không chỉ là chiến dịch bảo vệ môi trường mà là lời kêu gọi mạnh mẽ để cộng đồng cùng hành động vì tương lai của Thủ đô.
Thành phố đang dồn lực mạnh mẽ đưa các chính sách hỗ trợ, sử dụng xe điện thay thế xe chạy xăng dầu truyền thống. Việc chuyển đổi này không chỉ giảm đáng kể lượng khí thải xả ra môi trường mà còn góp phần đưa Hà Nội tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thành phố xanh, phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng không khí và giảm ô nhiễm môi trường, điều quan trọng nhất là sự chung tay của mỗi người dân, doanh nghiệp, cùng ý thức và hành động bảo vệ môi trường sống.
"Chúng ta có thể bắt đầu từ việc chuyển sang sử dụng xe điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng điện hóa, không sử dụng bếp than, đốt rác ngoài trời, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ không gian xanh tại nơi mình sinh sống...", ông Quyền gợi mở và cho rằng thay đổi thói quen nhỏ sẽ làm thay đổi môi trường, để Hà Nội là thành phố sáng, xanh, sạch đẹp và thực sự là nơi đáng sống.
Dẫn chứng bài học kinh nghiệm trên thế giới về xử lý ô nhiễm môi trường các thành phố lớn, TS Hoàng Dương Tùng nói, trong thời gian ngắn, chính quyền và người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) chung tay, quyết liệt khi chuyển đổi toàn bộ hơn 10.000 xe buýt chạy dầu sang xe điện, yêu cầu sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ như bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường.
Với tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, đòi hỏi tất cả chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”. Các bài học trên thế giới đã chứng minh rằng càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng nhấn mạnh, bầu không khí không phải là của riêng ai. Một mình Vingroup không thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm trầm trọng hiện nay. Trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, Vingroup đóng vai trò tiên phong, truyền cảm hứng, yếu tố quyết định thắng lợi là mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền bằng những hành động của mình góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
TS Hoàng Dương Tùng.
Với mỗi người dân, sự chung tay có thể bắt đầu từ những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô tô điện…
Ông cũng đề xuất UBND Thành phố Hà Nội xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như: hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc.
Dễ thấy nhất là những con đường nhựa của Thủ đô chỉ vài tuần sau khi đi vào sử dụng sẽ nhanh chóng chuyển sang màu xi măng thay vì màu đen như ban đầu. Nguyên nhân do bụi mịn, bụi lắng trong không khí cũng như nguồn gây ô nhiễm không khí đến từ hệ thống giao thông.