Xử lý ô nhiễm làng nghề tái chế phế liệu: Khó cũng phải làm

Xử lý ô nhiễm làng nghề tái chế phế liệu: Khó cũng phải làm
6 giờ trướcBài gốc
Phế liệu được chất đống trên hành lang giao thông ở tổ dân phố Phan Bôi
Cơ sở tái chế phế liệu của chị Lê Thị Tuyển, tổ dân phố Phan Bôi lúc nào cũng chất đầy phế liệu. Các phế liệu nhựa được thu mua từ các đầu mối sau đó phân loại, sơ chế và đưa vào máy xay, nghiền. Thành phẩm được xuất bán cho các cơ sở tái chế thành hạt nhựa thứ sinh. Mặc dù đã hoạt động nhiều năm nhưng cơ sở của chị Tuyển chưa có hồ sơ, giấy tờ cấp phép về môi trường.. Nước thải, rác thải làm nghề được thải bỏ trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.
Xay, nghiền phế liệu nhựa tại cơ sở tái chế nhựa của chị Lê Thị Tuyển, tổ dân phố Phan Bôi
Chị Lê Thị Tuyển cho hay: Năm 2024, phường đã đi kiểm tra, nhắc nhở và mới đây, lãnh đạo tổ dân phố tiếp tục tới tuyên truyền, phổ biến chủ trương của tỉnh là kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Tôi biết là hoạt động của cơ sở chưa đúng với quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường nhưng để đáp ứng đúng theo quy định hoặc chuyển đổi nghề thì tôi và các cơ sở khác đều đang gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Không sản xuất tập trung như ở Phan Bôi, hoạt động thu gom, tái chế phế liệu ở xã Cẩm Xá nằm rải rác trong các khu dân cư. Toàn xã có 84 cơ sở thu gom, phân loại, tái chế phế liệu, tập trung chủ yếu ở thôn Bùi.
Thu gom, vận chuyển phế liệu tại xã Cẩm Xá
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 2125-TB/TU thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh (Thông báo số 2125). Theo đó, thị xã Mỹ Hào có 2 địa phương nằm trong danh sách cần phải xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường xong trước 30/9/2025. Đó là tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử và xã Cẩm Xá. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại 2 địa phương này chủ yếu do hoạt động thu gom, tái chế phế liệu gây ra.
Phân loại phế liệu tại gia đình anh Lý Văn Nguyễn, thôn Bùi, xã Cẩm Xá
Sau khi nhận được Thông báo số 2125 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 784/UBND-NNMT ngày 6/5/2025 của UBND thị xã Mỹ Hào, UBND xã Cẩm Xá đã tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, tái chế phế liệu. Ngày 7/5/2025, UBND xã xây dựng kế hoạch và thành lập 2 tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trạng sản xuất, kinh doanh, tái chế phế liệu của tất cả các hộ trong xã.
Nội dung kiểm tra tập trung vào: Nguồn gốc sử dụng đất; hoạt động xây dựng; giấp đăng ký kinh doanh; kê khai, đăng ký thuế; phòng cháy, chữa cháy; giấy phép về môi trường; hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sản xuất. Ngoài ra, UBND xã phô tô toàn văn Thông báo số 2125 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các tổ công tác phát đến từng hộ làm nghề để tuyên truyền, phổ biến.
Phân loại phế liệu tại cơ sở thu gom, sơ chế phế liệu của gia đình bà Nguyễn Thị Quế
Đồng chí Phạm Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Xá cho biết: Các cơ sở của xã chủ yếu là thu gom, phân loại, sơ chế phế liệu. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ có thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại khu vực sản xuất, nhiều hộ đã được mở hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy. Đối với rác thải sau sơ chế phế liệu, các hộ chuyển giao cho một đơn vị ở tỉnh Hải Dương thu gom, xử lý nhưng đều không có hợp đồng theo quy định. Hiện nay, xã đang lập danh sách phân loại theo các trường thông tin nhằm tìm giải pháp giải quyết vấn đề này. Trước mắt, đối với các hộ sử dụng đất không hợp pháp, xã kiên quyết không xác nhận cho các hộ để xin cấp điện 3 pha phục vụ sản xuất và rà soát, xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm Kế hoạch 93a của UBND tỉnh.
Tái chế phế liệu mang lại lợi nhuận khá cao cho người sản xuất, kinh doanh nhưng để lại cho môi trường sống những vấn đề nóng, bức xúc, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Đất, nước, không khí tại các khu vực thu gom, tái chế phế liệu đều đang bị ô nhiễm với nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép. Các vụ cháy xảy ra trong tỉnh những năm gần đây hầu hết đều liên quan đến hoạt động tái chế phế liệu. Đã đến lúc cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn trong tái chế phế liệu.
Lệ Thu – Mai Nhung
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/xu-ly-o-nhiem-lang-nghe-tai-che-phe-lieu-kho-cung-phai-lam-3181217.html