Xuất hiện 7 hố sụt ở Bắc Kạn, chuyên gia khuyến cáo an toàn

Xuất hiện 7 hố sụt ở Bắc Kạn, chuyên gia khuyến cáo an toàn
7 giờ trướcBài gốc
Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với các hố sụt lún
Ngày 14/5, ông Nông Quang Nhất, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Kạn, ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hiện tượng hố sụt lún tại xã Kim Lư, huyện Na Rì. 2/21 hộ dân ở gần hố sụt nhất đã được di dời đến nơi an toàn.
Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở ngành liên quan triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó, như sử dụng đất, đá, bêtông lấp đầy hố sụt; theo dõi, khoanh vùng nguy hiểm, chủ động sơ tán dân.
Hố sụt ngày 29/3 trên quốc lộ 3B. Ảnh: Trung tâm văn hóa huyện Na Rì.
Các đơn vị liên quan của tỉnh làm việc với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để xây dựng Đề án đánh giá nguyên nhân sụt lún và khắc phục hố sụt.
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 2025, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận sự xuất hiện của 7 hố sụt lún tại xã Kim Lư, huyện Na Rì, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an toàn của người dân địa phương. Trước tình hình này, ngày 14/5/2025, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hiện tượng sụt lún tại khu vực.
Hiện tượng sụt lún bắt đầu xuất hiện từ ngày 24/3 và kéo dài đến ngày 1/5/2025, với tổng cộng 7 hố sụt được ghi nhận tại thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư. Đáng chú ý, một trong những hố sụt lớn nhất xuất hiện vào đêm 28, rạng sáng 29/3 trên Quốc lộ 3B, đoạn qua thôn Hiệp Lực, với chiều dài khoảng 8,6m, rộng 8,5m và sâu trung bình 8m. Bên dưới đáy hố lún có mạch nước ngầm và hàm ếch sâu 5,3m, gây mất an toàn nghiêm trọng cho khu vực.
Hiện tượng sụt lún đã ảnh hưởng trực tiếp đến 21 hộ dân với 92 nhân khẩu tại thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, cùng với khoảng 12ha đất nông nghiệp. Đã có 2 hộ gia đình được di dời người và tài sản đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Đánh giá sơ bộ cho thấy vị trí sụt lún là một dạng hang động Karst – hiện tượng phong hóa điển hình ở vùng núi đá vôi do nước xói mòn. Bên dưới, dòng nước ngầm chảy thường xuyên đã cuốn theo đất đá, làm sụt lún nền đường.
Ngay sau đó, đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam đã đến hiện trường để kiểm tra thực tế. Mặc dù đơn vị quản lý đường bộ đã đổ khoảng 200 m³ đá hộc xuống hố, lượng đá này đã bị dòng nước ngầm phía dưới cuốn trôi. Để đảm bảo an toàn giao thông, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã triển khai phương án phân luồng tạm thời, cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua khu vực sụt lún.
Giải pháp ứng phó khẩn cấp
Nghiên cứu của TS Nguyễn Quốc Khánh và cộng sự từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng chỉ ra các nguyên nhân gây ra "hố tử thần" ở Bắc Kạn. Về mặt tự nhiên, có ba yếu tố chính:
Cấu trúc địa chất phức tạp: Khu vực có nhiều loại đất đá bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống đứt gãy; Hệ thống karst ngầm phát triển: Nhiều tầng hang karst tồn tại, chiếm trung bình tới 15% diện tích; Lớp đất phủ yếu: Thành phần chủ yếu là hỗn hợp sét pha, bột, cát dễ bị rửa trôi xuống các hang karst ngầm.
Tuy nhiên, nghiên cứu này khẳng định nguyên nhân chủ yếu gây sụt lún là do việc bơm hút nước làm hạ thấp mực nước ngầm trong tầng chứa nước karst. Kết luận này được đưa ra dựa trên khảo sát thực địa, tham khảo nghiên cứu quốc tế và phân tích mô hình số.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất khoáng sản, giải pháp duy nhất hiện nay là điều tra, khảo sát và khoanh vùng để đưa ra cảnh báo. Ông cho biết Việt Nam gần như chưa thực hiện công tác này. Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án khảo sát tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Tuy nhiên, để có bản đồ cảnh báo hoàn chỉnh, cần phải thực hiện trên tất cả các vùng núi đá vôi, vốn chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc.
Theo các chuyên gia địa chất, nguyên nhân gây ra "hố tử thần" ở Bắc Kạn tương tự như ở nhiều địa phương khác: đó là sự tồn tại của hệ thống hang karst ngầm phức tạp. Quá trình hình thành các hang động này chủ yếu là do đá vôi bị nước ngầm hòa tan và bào mòn qua thời gian, đặc biệt tại các khu vực có đứt gãy địa chất. Lớp đất đá phủ phía trên, có thể bao gồm cả vật liệu phong hóa từ đá núi lửa (tương tự đá ong), trở nên yếu và dễ sụp đổ khi các khoảng rỗng bên dưới đủ lớn. Đánh giá sơ bộ cho thấy, vị trí sụt lún là dạng hang động karst, với dòng nước ngầm chảy thường xuyên bên dưới cuốn theo đất đá, gây mất ổn định và làm sụt nền đường.
Sau khi sự cố xảy ra, đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam đã đến hiện trường kiểm tra. Dù đơn vị quản lý đường bộ đã đổ khoảng 200 m³ đá hộc xuống hố, nhưng lượng đá này đã bị dòng nước ngầm cuốn trôi. Để đảm bảo an toàn giao thông, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã triển khai phương án phân luồng tạm thời, cấm toàn bộ người và phương tiện qua lại khu vực sụt lún này.
Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng sụt lún đất tại một số địa phương, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đưa ra những kiến nghị quan trọng, yêu cầu chính quyền địa phương cần triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định tình hình.
Theo đó, Viện đề xuất cần khẩn trương khoanh vùng nguy hiểm và cắm biển cảnh báo cụ thể. Các biện pháp tức thời bao gồm việc dựng hàng rào, lắp đặt biển báo rõ ràng quanh các vị trí đã xảy ra hố sụt và những khu vực được xác định có nguy cơ cao, hoặc đã xuất hiện các dấu hiệu bất thường như lún, nứt bề mặt đất. Đặc biệt, phải tính đến phương án tạm thời di dời người dân và các công trình kiến trúc lân cận ra khỏi vùng nguy hiểm nếu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm như lún bề mặt, nứt đất, hoặc các vết nứt xuất hiện trên nhà ở, công trình xây dựng.
Về giải pháp kỹ thuật để xử lý các hố sụt và gia cố tạm thời, cơ quan chuyên môn này đề xuất sử dụng các loại vật liệu cứng như đất đá, xi măng, bê tông để lấp đầy các khoảng rỗng bên trong hố. Đồng thời, cần tiến hành gia cố bề mặt khu vực sụt lún bằng các kết cấu vững chắc như bê tông cốt thép, cọc nhồi hoặc xây dựng rào chắn cứng nhằm ngăn chặn nguy cơ sụt lún tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.
Bên cạnh các giải pháp xử lý trực tiếp, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng khuyến cáo chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tạm dừng hoặc giảm thiểu đến mức tối đa các hoạt động khai thác nước dưới đất, nhất là tại những vị trí gần các khu dân cư tập trung. Việc thường xuyên theo dõi, quan trắc chặt chẽ diễn biến mực nước dưới đất cũng được coi là một trong những biện pháp quan trọng để có thể kịp thời đưa ra các cảnh báo và phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Mai Nguyễn
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xuat-hien-7-ho-sut-o-bac-kan-chuyen-gia-khuyen-cao-an-toan-post1541609.html