Hàng loạt công trình dang dở, dự án treo và khu đô thị bỏ hoang ở nhiều tỉnh thành trong cả nước không chỉ là biểu hiện của sự lãng phí trong đầu tư, mà còn thể hiện những tồn tại trong quản lý, sâu xa hơn, thực trạng này làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu, Liên Chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) về nguyên nhân sâu xa cũng như giải pháp để xử lý tận gốc các công trình “đắp chiếu” gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
TS. Bùi Quý Thuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA). Ảnh: BNEWS/TTXVN phát
Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện tượng dự án, công trình xây dựng dang dở, khu đô thị bỏ hoang nhiều năm qua như một vết thương của nền kinh tế. Thực trạng này gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế, tác động ra sao đến môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp?
TS Bùi Quý Thuấn: Thực trạng hàng loạt công trình dang dở, dự án treo và khu đô thị bỏ hoang không chỉ là biểu hiện của sự lãng phí trong đầu tư, mà còn thể hiện những tồn tại trong quản lý nhà nước của các địa phương, đặc biệt tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đến thực thi và giám sát thực hiện.
Một lượng lớn tài nguyên đất đai, vốn đầu tư và cơ hội phát triển đô thị bền vững bị lãng phí. Những khu đô thị bỏ hoang này không tạo ra giá trị kinh tế, không đóng góp ngân sách, nhưng lại tiêu tốn chi phí duy tu, bảo vệ, xử lý tranh chấp, khiếu kiện. Sự lãng phí này bóp méo cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các đô thị lớn. Khi các khu nhà ở, công trình công cộng không hoàn thành, nhu cầu dân cư không được đáp ứng, kéo theo áp lực gia tăng giá nhà, bất bình đẳng tiếp cận đất đai, nhà ở và dịch vụ.
Xét về môi trường đầu tư - kinh doanh, đây là yếu tố làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư dài hạn. Một môi trường mà nơi đó “phê duyệt và giao dự án dễ, triển khai khó, thu hồi bất cập” thì sẽ không hấp dẫn các nguồn lực tư nhân chất lượng cao. Niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng là một dạng tài sản vô hình nhưng cực kỳ giá trị, một khi đã mất đi, không dễ lấy lại.
PV: Theo ông, những nguyên nhân sâu xa nào đã dẫn đến tình trạng công trình, dự án chậm tiến độ, bỏ hoang, không đưa vào khai thác sử dụng?
TS Bùi Quý Thuấn: Nguyên nhân của hiện tượng này không chỉ nằm ở khâu thực thi và giám sát, mà bắt nguồn từ những vấn đề mang tính hệ thống và gắn liền với thể chế phát triển. Nhiều địa phương lập quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn; chưa đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…), thiên về hình thức, chưa thật sự dựa trên phân tích khoa học, nhu cầu thực tiễn hoặc năng lực thực thi của bộ máy quản lý. Đặc biệt còn nhiều tồn tại, hạn chế về phương pháp, quy trình và nội dung lập quy hoạch đô thị; hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ và chất lượng của công tác dự báo phát triển chưa cao.
Có hiện tượng quy hoạch theo “sức ép hành chính” hoặc “kỳ vọng nhiệm kỳ”, dẫn đến quy hoạch treo, quy hoạch không khả thi. Sự thiếu gắn kết giữa quy hoạch tổng thể quốc gia – vùng – địa phương cũng khiến cho nhiều dự án bị “treo” do vướng mắc trong phê duyệt hoặc không tương thích hạ tầng kết nối.
Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư còn lỏng lẻo, thiếu tiêu chí định lượng rõ ràng về năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến quyền sử dụng đất, chứ không có kế hoạch phát triển sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy có không ít trường hợp nhà đầu tư ôm đất rồi để hoang chờ tăng giá, hoặc chuyển nhượng lòng vòng.
Thể chế và cơ chế giám sát, xử lý vi phạm còn thiếu chế tài đủ mạnh, dẫn đến tâm lý “không làm thì không sao, làm sai mới bị xử”. Điều này tạo ra sự trì trệ và tâm lý “chờ chính sách”. Chính quyền địa phương cũng gặp khó trong thu hồi đất hoặc xử lý vi phạm vì e ngại kiện tụng, thiếu cơ chế và hướng dẫn rõ ràng hoặc sợ trách nhiệm cá nhân.
Hơn 10 năm qua, hàng loạt dự án tại các khu đất “vàng” của thành phố Đà Nẵng đã bị đình trệ, vướng mắc do liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Trong ảnh là dự án 181 ha ven Vịnh Đà Nẵng đang được thành phố Đà Nẵng báo cáo Trung ương để tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
PV: Ở góc độ thể chế và chính sách, ông có thể phân tích kỹ hơn những vấn đề trong quy hoạch, quản lý đầu tư công và quản lý đất đai dẫn tới tình trạng lãng phí này?
TS Bùi Quý Thuấn: Có thể thấy, quy hoạch phát triển nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng còn thiếu tính tích hợp, không gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch ngành. Đây là lý do khiến nhiều dự án “vẽ xong để đó” hoặc khu đô thị hoàn thành xong không có người ở, hoặc dự án không thể triển khai vì thiếu hạ tầng hoặc vướng các quy hoạch khác. Việc điều chỉnh quy hoạch có nơi diễn ra dễ dàng, tạo ra méo mó thị trường và rủi ro thể chế dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong phát triển dự án và khu đô thị.
Cơ chế phân bổ vốn đầu tư công còn dàn trải chưa trọng tâm và tập trung vào các dự án mang tính cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số trường hợp cơ chế phân bổ vốn còn mang tính “bình quân” hoặc “xin – cho”, dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt nhưng không có vốn thực hiện đầy đủ; thiếu đánh giá độc lập về hiệu quả đầu tư. Nhiều công trình chưa khai thác hết công suất đã xuống cấp, dẫn đến tâm lý đầu tư để hoàn thành chỉ tiêu, chứ không dựa trên hiệu quả kinh tế – xã hội và tác động lan tỏa. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa hiệu quả; trách nhiệm giải trình của các chủ thể liên quan chưa cao.
Trong quản lý nguồn lực đất đai, việc giao đất, cho thuê đất còn bất cập, chưa gắn chặt với tiến độ thực hiện dự án. Cơ chế định giá đất thiếu khoa học và minh bạch cũng tạo điều kiện cho đầu cơ, chuyển nhượng lòng vòng và "găm đất". Đặc biệt, hình thức đấu giá đất còn thiếu cạnh tranh, dễ bị thao túng hoặc thông đồng, nhất là tại các khu vực đô thị hóa nhanh. Điều này khiến nguồn lực đất đai không được phân bổ theo cơ chế thị trường công bằng.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu đất đai của chúng ta chưa được số hóa và kết nối liên thông, khiến công tác giám sát, thu hồi và quản lý dự án thiếu minh bạch và kịp thời. Do đó, việc quản lý, giám sát việc sử dụng đất sau khi giao, cho thuê chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng dự án "ôm đất" nhưng không triển khai. Đáng mừng là sắp tới chúng ta sẽ số hóa dữ liệu quốc gia về đất đai, là yếu tố có thể cải thiện tình trạng này.
Việc phân cấp mạnh về cho địa phương trong quản lý đất đai nhưng không kèm theo cơ chế giám sát độc lập từ Trung ương dễ dẫn tới tình trạng “lợi ích nhóm” và “xin – cho” trong cấp phép, điều chỉnh quy hoạch, giao đất.
PV:Từ góc độ chuyên gia, ông đề xuất những giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng các công trình "đắp chiếu" hiện nay?
TS Bùi Quý Thuấn: Trước hết, cần rà soát toàn diện và đưa ra quy định xử lý nghiêm, thiết lập cơ chế kiểm tra định kỳ 2 năm một lần đối với các dự án chậm triển khai. Những dự án vi phạm tiến độ trên 3 năm phải bị xử lý bằng những hình thức như thu hồi đất, hoặc bổ sung quy định đánh thuế lũy tiến hoặc phạt hành chính trên diện tích đất sử dụng không hiệu quả. Đối với dự án có khả năng "cứu vãn", có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn, thủ tục, giải phóng mặt bằng; tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực thay thế; điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án cho phù hợp thực tế. Còn với dự án không khả thi cần kiên quyết thu hồi theo quy định pháp luật; tổ chức đấu giá tài sản trên đất, đấu giá quyền sử dụng đất để thu hồi vốn cho nhà nước, tránh lãng phí kéo dài; chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu phù hợp với quy hoạch mới.
Chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về quy hoạch và dự án đầu tư, công khai tiến độ, nhà đầu tư, cam kết triển khai để người dân và doanh nghiệp cùng giám sát nhằm chống lợi ích nhóm. Đồng thời, thực hiện cải cách cơ chế lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai và Luật Đấu thầu năm 2024, chuyển từ mô hình “giao đất – xin đầu tư” sang đấu thầu công khai, có tiêu chí rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm; không giao đất cho các nhà đầu tư không có năng lực thực hiện dự án trong khung thời gian quy định.
Cùng với đó, phát triển cơ chế chuyển nhượng minh bạch, cho phép các dự án chậm tiến độ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác có năng lực, thông qua đấu giá công khai, minh bạch và có điều kiện ràng buộc; tăng cường vai trò kiểm toán, thanh tra độc lập và giám sát của cộng đồng. Các cơ quan kiểm toán và thanh tra cần được trao quyền tiếp cận thông tin dự án, có công cụ pháp lý đủ mạnh để xử lý sai phạm ngay từ khâu lập dự án. Đặc biệt, nâng cao vai trò của cộng đồng và người dân trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo mang lại hiệu quả và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Ông kỳ vọng gì vào việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải thiện công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch trong việc chống lãng phí từ các dự án tồn đọng, kéo dài?
TS Bùi Quý Thuấn: Tôi kỳ vọng nhiều vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai sửa đổi (2024), Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đã được thông qua. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc những điểm mới như định giá đất sát với giá thị trường, hạn chế đầu cơ; quy định rõ trách nhiệm và thời hạn sử dụng đất gắn với tiến độ dự án; minh bạch hóa thông tin quy hoạch, cho phép cộng đồng tham gia giám sát sẽ khắc phục những bất cập nêu trên.
Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng. Các quy trình, thủ tục sẽ được đơn giản hóa, giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là các quy định về trách nhiệm giải trình, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm cần được siết chặt và thực thi nghiêm minh.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phải được nâng cao chất lượng một cách thực chất. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, dựa trên cơ sở khoa học, gắn kết chặt chẽ với khả năng cân đối nguồn lực và nhu cầu phát triển thực tế. Quá trình lập và giám sát quy hoạch phải tăng cường tính công khai, minh bạch và sự tham gia của cộng đồng; kiên quyết xử lý tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, cục bộ.
Đồng thời, quan trọng hơn, tôi kỳ vọng vào sự chuyển biến trong tư duy thiết kế và quản lý phát triển từ “quản lý hành chính” sang “quản lý dựa trên dữ liệu và kết quả”. Quy hoạch không chỉ là bản vẽ, mà là công cụ phân bổ nguồn lực xã hội. Đặc biệt, việc chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà cần cơ chế phối hợp với người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong giám sát và thực thi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bài 1: Giải phóng nguồn lực từ dự án tồn đọng
Bài 3: Đà Nẵng "giải cứu" đất vàng
Bài 4: "Khung đỡ" chống hoang phí đất đai
Bài 5: Kinh nghiệm đắt giá từ thành phố "ma"
Nguyễn Huyền/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)