Xử lý, thu hồi đất cho thuê không đúng quy định tại Đơn Dương

Xử lý, thu hồi đất cho thuê không đúng quy định tại Đơn Dương
3 ngày trướcBài gốc
Một góc trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đồi Bạch đàn
KHÓ KHĂN VỀ NGÂN SÁCH HOÀN TRẢ
Trước đó, ngày 6/11/2024, UBND huyện Đơn Dương đã có Văn bản số 2038/UBND-TCKH xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để xử lý các vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất đối với 2 trường hợp cho thuê đất không đúng quy định trên địa bàn.
Nội dung văn bản này cho biết huyện đang triển khai thực hiện kiểm kê, đánh giá tài sản trên diện tích đất thu hồi để làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người thuê đất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện gặp phải một số khó khăn đối với trường hợp của bà Đào Thị Huyền Sâm thuê đất tại xã Lạc Xuân. Trong đó, tiền thuê đất trả 1 lần trong suốt chu kỳ 30 năm cho cả 2 hợp đồng thuê đất đã nộp vào ngân sách nhà nước (điều tiết về ngân sách tỉnh), với số tiền trên 13,1 tỷ đồng.
Tính đến thời gian thông báo thu hồi, số tiền ngân sách phải hoàn trả sau khi thực hiện thu hồi là hơn 10,5 tỷ đồng. Chưa kể, số tiền người thuê đất đã đầu tư cải tạo mặt bằng, làm đường nội bộ, đào hồ, xây dựng hàng rào, bờ kè, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, nhà kính, hệ thống sản xuất Organic và các công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà theo thống kê của người đầu tư là hơn 133,9 tỷ đồng.
Tương tự, trường hợp của ông Nguyễn Thanh Tùng thuê đất trả tiền hàng năm, thời gian thuê 20 năm tại xã Tu Tra. Vì trả tiền thuê đất hàng năm nên ngân sách không phải hoàn trả tiền thuê đất sau khi thực hiện thu hồi đất, nhưng giá trị đã đầu tư trên đất hơn 7 tỷ đồng ngân sách phải hoàn trả.
Cũng theo UBND huyện Đơn Dương, qua thống kê sơ bộ, tổng chi phí ngân sách nhà nước phải hoàn trả cho các hộ dân sau khi thực hiện thu hồi đất là trên 151,5 tỷ đồng. Trong đó, hoàn trả tiền thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả 1 lần là 10,5 tỷ đồng; và giá trị đầu tư trên đất (theo số liệu kiểm kê của các hộ thuê đất, nhà nước chưa kiểm kê, định giá lại) là hơn 140,9 tỷ đồng.
CHO THUÊ ĐẤT SAI QUY ĐỊNH
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh, nguồn gốc hơn 14,2 ha đất bà Đào Thị Huyền Sâm thuê tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) là diện tích trồng cây bạch đàn trước đây (có tên gọi là Đồi Bạch đàn), là đất công do UBND xã Lạc Xuân quản lý từ năm 1996.
Theo tìm hiểu, trước khi bà Sâm thuê đất Đồi Bạch đàn để làm nông nghiệp công nghệ cao, năm 2015 UBND huyện Đơn Dương đã có chủ trương tạm giao đất cho UBND xã Lạc Xuân quản lý để xem xét tổ chức cho thuê đất. Đồng thời, huyện cũng ban hành quyết định phê duyệt đơn giá khởi điểm giá thuê đất và dựa vào kết quả đấu giá trong tháng 12 cùng năm, UBND xã Lạc Xuân đã ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Hương Cảng (đơn vị trúng đấu giá) thuê đất sản xuất với thời hạn 3 năm, kể từ tháng 2/2016. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, doanh nghiệp đã bàn giao đất lại cho địa phương quản lý, và các bên đã thanh lý hợp đồng thuê đất tại khu vực trên, do UBND xã Lạc Xuân ký hợp đồng cho tổ chức thuê đất không đúng thẩm quyền.
Đến tháng 5/2018, được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Đơn Dương có quyết định cho bà Sâm thuê 120 ngàn m2 đất tại khu vực Đồi Bạch đàn để sản xuất nông nghiệp, thời hạn thuê 30 năm, trả tiền thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, ngay sau đó bà Sâm có đơn đề nghị được đóng tiền 1 lần trong suốt chu kỳ thuê 30 năm thay vì phải đóng tiền hàng năm. Đề xuất của bà Sâm đã được UBND huyện Đơn Dương chấp thuận và ban hành quyết định cho trả tiền 1 lần trong chu kỳ thuê 30 năm thay cho quyết định cho thuê đất trả hàng năm. Sau khi đóng đủ tiền thuê đất cho cả chu kỳ thuê đất 30 năm, bà Sâm đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), và được UBND huyện cấp sổ đỏ cho 120 ngàn m2 đất (đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp 4.800 m2, 115.200 m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác).
Tương tự, cũng trong thời gian này, bà Sâm đã được huyện Đơn Dương cho thuê 22.909 m2 đất tại khu vực trên, với thời gian thuê 30 năm, trả tiền thuê đất 1 lần cho cả chu kỳ thuê 30 năm. Sau khi hoàn tất các thủ tục đóng tiền thuê đất, UBND huyện Đơn Dương đã cấp sổ đỏ ghi nhận 22.909 m2 đất sản xuất nông nghiệp cho bà Đào Thị Huyền Sâm.
Như vậy, tổng diện tích đất UBND huyện Đơn Dương cho bà Sâm thuê và cấp sổ đỏ 2 đợt là 142.909 m2. Sau khi có được 2 sổ đỏ, bà Sâm đã làm thủ tục hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích trên cho ông Phạm Minh Trình và được UBND huyện Đơn Dương đồng ý phê duyệt. Theo UBND xã Lạc Xuân, diện tích sau chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng nhà kính công nghệ cao, nhà điều hành, văn phòng làm việc; hồ nước tưới tiêu, đường đi… với vốn đầu tư rất lớn.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Đào Thị Huyền Sâm, chia sẻ: Lúc đầu là địa phương kêu gọi đầu tư, giờ thì đòi thu hồi. Nếu địa phương muốn thu hồi đất thì phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình. Bà Sâm cũng ước tính đã đầu tư trên đất khoảng 200 tỷ đồng, chỉ tính riêng 2 dãy nhà kính sản xuất rau hữu cơ Organic đã mất 60 tỷ đồng. Chưa kể tiền đầu tư cải tạo mặt bằng, ta luy, hệ thống tưới tiêu, nhà điều hành và trên hết là công việc sản xuất bị đình trệ do quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đơn Dương.
Trong khi đó, trường hợp ông Nguyễn Thanh Tùng thuê 137 ngàn m2 đất tại khu vực nông trường bò sữa tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), thời hạn thuê 20 năm, trả tiền thuê đất hàng năm. Trong quá trình sản xuất, bị người dân lấn chiếm nên sau đó điều chỉnh lại diện tích thuê là hơn 112.800 m2, với mục đích thuê đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (đất mặt nước hồ thủy lợi Cây Xoài).
Theo kết luận của cơ quan chức năng, việc UBND huyện Đơn Dương ban hành các quyết định cho bà Đào Thị Huyền Sâm thuê đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực trên, với hình thức thuê đất trả tiền một lần mà không qua đấu giá là không đúng quy định. Do đó, cần thu hồi, hủy bỏ các quyết định cho thuê đất không đúng quy định và thực hiện thanh lý các hợp đồng thuê đất đối với người được thuê theo quy định.
Tương tự, trường hợp UBND huyện Đơn Dương có quyết định cho ông Nguyễn Thanh Tùng thuê diện tích đất hồ thủy lợi Cây Xoài mà không thông qua đấu giá là không đúng quy định. Chưa kể, huyện tiếp tục cho ông Tùng thuê đất và mặt nước hồ thủy lợi Cây Xo-ài mà chưa được UBND huyện phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là không đúng quy định.
T.TRANG - B.AN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202411/xu-ly-thu-hoi-dat-cho-thue-khong-dung-quy-dinh-tai-don-duong-61b2a78/