Xuân về trên vùng biển đảo Tây Nam - Bài 2: 'Mắt thần' vùng biển

Xuân về trên vùng biển đảo Tây Nam - Bài 2: 'Mắt thần' vùng biển
9 giờ trướcBài gốc
Hải đăng Hòn Khoai
Hơn 135 năm giữa biển trời
Trong chuyến công tác của Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, sau 1 đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi đặt chân đến Hòn Khoai.
Tàu vừa cập bến, leo bộ trên con dốc dài nghiêng gần 45 độ được hơn 200 m, chúng tôi thở phào vì đã đến được đoạn đường được bố trí xe chở “tăng bo”. Cán bộ của các lực lượng trên đảo ưu tiên chở phóng viên lên bằng xe bán tải như những “taxi mui trần” tới trạm ra đa nằm gần ngọn hải đăng.
Khoảng 9 giờ sáng, đoàn đến Trạm Hải đăng Hòn Khoai.
Tôi nhanh chóng tìm hiểu ngọn hải đăng nổi tiếng này. Bằng tất cả sự hiếu khách, anh Nguyễn Mạnh Huấn, nhân viên Trạm Hải đăng Hòn Khoai ra tận cổng đón chúng tôi. Vừa đi anh Huấn vừa giới thiệu: “Hải đăng Hòn Khoai là ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng ở phía Nam và trên vùng biển Tây Nam, cũng là 1 trong 6 ngọn hải đăng cổ nhất ở Việt Nam”.
Đứng ở hải đăng Hòn Khoai có thể quan sát được vùng trời, biển rộng lớn
Tìm hiểu lịch sử qua mã QR tại khu vực đón khách, tôi được biết hải đăng Hòn Khoai được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1899. Bấy giờ, đây là một trong những công trình kiến trúc có quy mô và mang nhiều ý nghĩa, nhất là công tác vận tải hàng hải trên biển.
Mục đích của việc xây dựng ngọn hải đăng là giúp tàu bè đi lại thuận tiện qua khu vực mũi Cà Mau. Cho tới ngày nay, tất cả các tàu thuyền từ biển Đông qua Tây, gồm cả khu vực Vịnh Thái Lan rộng lớn đều phải qua đây và coi ngọn hải đăng Hòn Khoai là một tín hiệu chỉ đường.
Hải đăng Hòn Khoai có hình khối vuông, chiều cao của tháp là 15,7 m, mỗi cạnh 4 m, được xây bằng đá hộc và xi măng. Ngọn hải đăng tọa lạc trên nền đất có độ cao 318 m so với mặt biển. Đáng chú ý, dưới tòa nhà chính có một bể nước rộng tích trữ nước mưa bảo đảm cho nhân viên của trạm sử dụng quanh năm. Đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn được xa hơn 40 hải lý, bao quát được một vùng biển rộng lớn.
Ông Huỳnh Văn Hà (quê Thái Bình), nhân viên Trạm Hải đăng Hòn Khoai đã có 35 năm làm nghề gác đèn biển. Làm việc tại Hòn Khoai từ năm 1990, sau nhiều lần chuyển công tác, năm 2023, ông Hà quay lại Trạm Hải đăng Hòn Khoai khi tóc đã bạc.
Dưới bàn tay vận hành của những người như ông Hà, anh Huấn, ánh sáng từ ngọn hải đăng Hòn Khoai hầu như chưa bao giờ tắt trong đêm, chỉ đường cho tàu thuyền qua lại trên biển. "Chỉ có 1 lần hải đăng bị sét đánh trong mùa mưa bão, đèn chính gặp sự cố nhưng đèn phụ đã thay thế ngay, không làm gián đoạn nhiệm vụ", ông Hà kể.
Tự hào khởi nghĩa Hòn Khoai
Dấu tích khởi nghĩa tại hải đăng Hòn Khoai
Không chỉ mang ý nghĩa là “mắt thần” chỉ đường cho tàu thuyền, ngọn hải đăng hơn 100 tuổi còn chứng kiến sự kiện đặc biệt quan trọng đối với người dân Hòn Khoai nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.
Tại tháp hải đăng Hòn Khoai, vào ngày 13/12/1940, anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo quân khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi. Ngày khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940) được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Năm 1990, đảo Hòn Khoai được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngọn hải đăng Hòn Khoai nhìn từ xa
Anh Nguyễn Minh Thành, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Hòn Khoai cho biết hiện nay Trạm Hải đăng Hòn Khoai là một “địa chỉ đỏ” với niềm tự hào, dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây. Tên người anh hùng Phan Ngọc Hiển đã được đặt cho một huyện của Cà Mau. Đây là người anh hùng hiếm hoi được đặt tên huyện ở nước ta.
Chỉ có 2 giờ đồng hồ tại Hòn Khoai, lên tàu trở về đất liền nhưng tất cả chúng tôi đều ngoái nhìn lại hòn đảo xinh đẹp cho đến khi ngọn hải đăng mất hút giữa bao la trời biển…
Đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có diện tích khoảng 4 km2.
Hòn Khoai là một đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc.
Hòn Khoai là đảo không có dân cư sinh sống. Thời tiết khí hậu ở đây tương đối khắc nghiệt. Hiện nay, chưa có phương tiện giao thông khai thác ra tuyến đảo Hòn Khoai.
Bài 3: Gieo chữ nơi đảo xa
THÀNH ĐẠT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/xuan-ve-tren-vung-bien-dao-tay-nam-bai-2-mat-than-vung-bien-403506.html