Sản xuất cà phê tại Công ty TNHH Sản xuất và xuất khẩu Lacote Việt Nam (ở huyện Thống Nhất). Ảnh:V.Gia
Mặc dù vẫn đang trên đà thuận lợi nhưng ngành hàng cà phê còn nhiều ẩn số tác động trong thời gian tới. Các chính sách nghiêm ngặt về môi trường, nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu, cũng như chính sách thuế quan của Mỹ là những điều mà doanh nghiệp cà phê cần lưu tâm.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và môi trường cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ở hầu hết các nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 21,1 tỷ USD, tăng 10,7%. Có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước. Gỗ và cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với tương ứng 5,2 tỷ USD và 3,78 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu cà phê tăng 51,1%, cao nhất trong các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam.
Cà phê là mặt hàng trong 2 năm vừa qua có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam và giá cà phê cũng đang tăng nóng ở thị trường thế giới. Quỹ Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận giá cà phê trung bình trong năm 2024 tăng vọt 38,8% so với mức trung bình của năm 2023, do sản lượng suy giảm trong bối cảnh thời tiết bất lợi. Giá cà phê trung bình toàn cầu trong năm 2025 có thể tăng cao hơn nếu sản lượng giảm đáng kể ở các vùng trồng cà phê chính trên toàn cầu.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải, hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó châu Âu, châu Á và Mỹ là những thị trường lớn nhất. Kết quả này không chỉ nhờ giá cao, mà còn do chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của DN trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động. Nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục thuận lợi, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm nay có thể đạt kỷ lục mới.
Tương tự, tại Đồng Nai, giá trị xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm đạt gần 655 triệu USD, tăng hơn 60,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy diện tích trồng cà phê ở Đồng Nai không còn nhiều nhưng nhiều DN chọn Đồng Nai làm địa bàn đặt các kho, nhà máy sơ chế, chế biến sâu cà phê. Điều này cũng góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong những nơi xuất khẩu nhiều cà phê của Việt Nam.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất khẩu Lacote Việt Nam (ở huyện Thống Nhất) Đinh Thành Thiện chia sẻ, dù giá xuất khẩu tăng cao nhưng cà phê đang hiếm ở trên thị trường toàn cầu, vì sản lượng sụt giảm. Cà phê của Việt Nam được nhiều khách hàng ưa chuộng nên DN đang theo sát tình hình của thị trường để có các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Vẫn còn nhiều ẩn số
Theo các chuyên gia và DN, mặc dù giá cà phê trong nước không có sự thay đổi lớn nhưng tình hình xuất khẩu và các yếu tố toàn cầu vẫn có thể ảnh hưởng đến giá trong thời gian tới. Đặc biệt, tình hình thương mại thế giới có những chiều hướng bất lợi khi chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, chính sách thuế quan của Mỹ và nhiều nước đang áp dụng lên nhau. Do đó, các nhà đầu tư và nông dân cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có những quyết định hợp lý.
Theo ông Thái Như Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (ở tỉnh Gia Lai), đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam năm 2024, trong năm qua, công ty đã phối hợp với địa phương nhằm giải quyết những thách thức về phát triển ngành hàng cà phê, tuân thủ quy định tránh phá rừng của châu Âu (EUDR), giảm phát thải nhà kính, sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ bám sát thị trường mà giá trị xuất khẩu cũng thu được kết quả thuận lợi, đồng thời các đối tác đang ưa chuộng những mặt hàng của công ty cũng như cà phê Việt Nam.
Một điều khá lạc quan là trong cuộc chiến thương mại, mặt hàng cà phê có thể chỉ phải chịu mức thuế quan thấp do sự khan hiếm của thị trường và cả tiếng nói của những tổ chức cà phê quốc tế. Hiệp hội Cà phê Bắc Mỹ (NCA) đã chủ động đề xuất chính quyền Mỹ đưa mặt hàng nhập khẩu cà phê ra khỏi mức thuế được áp dụng tại Mỹ.
Tương tự, ngày 16-4-2025, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira cũng đã có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị xem xét ngành cà phê trong các cuộc đàm phán về thuế nhập khẩu. Tổ chức này cho rằng, cà phê không phải là sản phẩm của thương mại không công bằng hoặc không đối ứng. Cà phê chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, vì không có lựa chọn thay thế. ICO tin rằng, thuế quan được đề xuất theo chính sách nước Mỹ trên hết có thể gây tổn hại đáng kể đến ngành cà phê và người tiêu dùng Mỹ nên cần thiết phải xem xét một cách công bằng.
Văn Gia