Xuất khẩu cà phê quý I đem về 2,88 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê quý I đạt 509.500 tấn, giảm 13% về khối lượng nhưng tăng mạnh 50% về giá trị, đạt 2,88 tỷ USD.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.656 USD/tấn, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2024, nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê chất lượng cao tăng mạnh.
Đáng chú ý, Đức, Italy và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất, với giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 79%, 32% và 56%.
Trong nhóm các thị trường lớn, Ba Lan ghi nhận mức tăng mạnh nhất (3,1 lần), trong khi Indonesia giảm 38%.
Trong nước, giá cà phê nhân xô Việt Nam hiện dao động quanh ngưỡng 132.300-133.600 đồng/kg.
Còn ở thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch 2/4, giá cà phê đồng loạt tăng mạnh trở lại trên cả 2 sàn giao dịch London và New York.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 5 đóng cửa ở mức 5.372 USD/tấn, tăng 1,95% (103 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước và kết thúc chuỗi 4 phiên sụt giảm liên tiếp.
Trong khi đó, hợp đồng giao tháng 7 cũng tăng 2,1% (111 USD/tấn), chốt ở mức 5.406 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng vọt 2,45% (9,3 US cent/pound), đạt 389,05 US cent/pound.
Đối với hợp đồng giao kỳ hạn tháng 7, giá đã tăng 2,61% (9,8 US cent/pound), lên mức 385,2 US cent/pound.
Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 15,72 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, giá trị xuất khẩu tăng trên 13%.
Nhiều ngành hàng mang về giá trị thương mại tích cực hơn dù giảm khối lượng xuất khẩu. Điều này cho thấy giá trị các sản phẩm đã được nâng tầm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế.
Như vậy, cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản trong quý I đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận thời gian tới, những thay đổi trong chính sách thuế quan và các yêu cầu của các thị trường quốc tế sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đặc biệt, thị trường Mỹ đang áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với nhiều mặt hàng, bao gồm các sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhấn mạnh để đối phó với những thay đổi này, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan.
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho ngành nông sản Việt Nam.
Anh Nguyễn