Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc lịch sử
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong quý IV/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III/2024 và tăng 17,3% so với quý IV/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với quý III/2024 và tăng 17,4% so với quý IV/2023.
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh minh họa)
Tính chung, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.
Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, vượt qua nhiều thách thức để tiến gần đến mục tiêu đề ra.
Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng và mở rộng hiện diện tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ.
Dự báo con số 18 tỷ USD
Mặc dù, đạt được kết quả khả quan, nhưng ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các thị trường xuất khẩu chính, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu.
Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD (theo Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.
Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Những thách thức thị trường mà ngành gỗ phải đối mặt như: Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng; các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều là các đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực; nguy cơ suy giảm kinh tế tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) – thông tin, hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thỗ. Với việc hội nhập sau như vậy, ngành gỗ đang bị “nội soi” rất kỹ và phải ứng phó với nhiều vụ việc phòng về thương mại.
Để đạt được kết quả con số xuất khẩu 17,5 - 18 tỷ USD, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại nên các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương đã tham gia các hội chợ nhưng không nhiều. Do đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ nhiều hơn. Việc tham gia hội để ký được hợp đồng ngay là khó, nhưng đi dự hội chợ để “mở mang” là việc cần thiết.
Với hội chợ trong nước, Việt Nam đã trở thành 1 trung tâm chế biến gỗ trên thế giới, hiện các hội chợ triển lãm ngành hàng gỗ lớn đã có ở Việt Nam. Do vậy, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu các hội chợ này; từ đó thu hút sự quan tâm cao hơn của các thị trường quốc tế.
Đối với ngành gỗ nói chung vẫn đang làm theo phương thức gia công, chưa tập trung chú ý tới thương hiệu. Các bộ, ngành đang chú trọng tới con số tăng trưởng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp lại cần chú trọng tới lợi nhuận thu được. Do vậy, các năm tới cần phải có sự thay đổi, phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều ngang.
Do đồ gỗ là dạng sản phẩm cồng kềnh, việc tham gia các trang thương mại điện tử như Alibaba,… còn ít và khó thực hiện, do vậy, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại quan tâm tới công tác thương mại điện từ cho ngành gỗ.
Ngành gỗ là ngành tích tực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng với các quy định của các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ,… Do đó, ở tâm quốc gia, ông Ngô Sỹ Hoài cũng muốn Bộ Công Thương phát đi thông điệp “ngành gỗ Việt nói không với gỗ bất hợp pháp” với thị trường thế giới.
Về việc này, theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.
Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).
Hiện Cục Lâm nghiệp đã phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng. “Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Năm 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5-5,0%; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 – 18 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh