Xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Ảnh tư liệu
Xuất siêu đạt kỷ lục 24,77 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%.
Trong năm 2024 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 54%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2024, sơ bộ nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,4%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,2%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.
Cũng trong năm 2024, xuất siêu sang Mỹ đạt 104,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%; nhập siêu từ Trung Quốc 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%. Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.
Có được kết quả nêu trên, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, các nhóm ngành hàng chủ lực, ngành công nghệ cũng chứng kiến sức bật trở lại sau giai đoạn khó khăn của năm 2023. Sự bứt phá trong xuất khẩu công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài. Những nhà máy sản xuất của các "ông lớn" Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu công nghệ vượt ngưỡng 100 tỷ USD mỗi năm từ sau năm 2020.
Ở góc độ hội nhập thương mại - kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, hoạt động xuất khẩu đạt mức kỷ lục, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP cả nước. Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có sự tham gia tích cực của ngành Công thương đã góp phần thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17 FTA, trong đó nổi bật Hiệp định CEPA với kỷ lục về thời gian đàm phán đã mở ra nhiều cơ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả khu vực Trung Đông, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nền kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Đề cập đến tình hình triển vọng xuất nhập khẩu trong năm 2025, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi.
Năm 2025, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 - 12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công thương sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo Bộ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2025, Bộ Công thương tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực thi các FTA có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tăng cường khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Trong năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Công thương, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, tăng cường xúc tiến xuất khẩu khai thác hiệu quả các FTA nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
Chú trọng xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế bền vững. Các doanh nghiệp cũng mong muốn được tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế.
Nông, lâm, thủy sản tăng hơn 18%
Trong thành tựu chung của cả nước, ngành Nông nghiệp, phát triển nông thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Song Linh