Một góc bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đình Giang
Mặc dù XKLĐ đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm nghèo, nhưng tỷ lệ lao động tham gia giữa các xã trong huyện lại không đồng đều. Ông Vũ Đức Thượng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, cho biết: "Dư nợ cho vay XKLĐ tại huyện Mường Lát đạt trên 8 tỷ đồng, với các thị trường chính như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Tuy nhiên, khách hàng là người dân tộc Mông, Khơ Mú, Dao tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn vẫn tham gia rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sống khép kín, sợ xa gia đình và điều kiện kinh tế khó khăn không đủ trang trải chi phí ban đầu".
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: "Trước đây, cả xã gần như không có trường hợp nào là đồng bào dân tộc Mông đi XKLĐ. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, nhận thức của bà con về XKLĐ đã có chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2024, toàn xã Trung Lý có 445 người đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành trong nước và 6 người đi XKLĐ".
Còn tại xã Mường Chanh, lực lượng lao động đi làm ăn xa, nhất là những người đi XKLĐ đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và XDNTM của địa phương. Toàn xã hiện có khoảng 200 người đi XKLĐ và gần 500 người đi làm ăn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều lao động sau khi trở về quê hương đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.
Thực tế cho thấy, những xã có tỷ lệ XKLĐ cao như: Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát đã minh chứng cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Nhiều người dân sau khi đi XKLĐ trở về địa phương không chỉ thoát nghèo, mà còn có cuộc sống ổn định, có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Điển hình như anh Vi Văn Khanh ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát. Sau thời gian đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc), anh đã có tiền xây dựng nhà cửa và mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Hay chị Lò Thị Điện ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc trở về cũng đã đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, có thu nhập ổn định.
Ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, cho biết: "XKLĐ đang được xem là một trong những hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo đối với bà con vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có huyện biên giới Mường Lát. Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, huyện đã ban hành các kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cho những người tham gia XKLĐ. Huyện cũng thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn và tuyển dụng người đi XKLĐ; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ".
Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa, hỗ trợ mỗi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có các chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Cụ thể, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số khi đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong vòng 24 tháng.
Nhờ XKLĐ nhiều gia đình trên địa bàn huyện Mường Lát có nguồn vốn để xây dựng nhà cửa khang trang.
Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, hướng dẫn các mức hỗ trợ cụ thể, như: Đào tạo ngoại ngữ hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) với mức 600 nghìn đồng/người...
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát nhận định: "XKLĐ không chỉ mang lại thu nhập cho người dân trong huyện, mà còn giúp họ thay đổi tư duy, kỹ năng lao động. Những người lao động sau khi trở về địa phương sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại no ấm cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, nguồn vốn từ XKLĐ tạo nên phong trào xung phong thoát nghèo ở vùng biên. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở các xã, thị trấn có tỷ lệ người đi XKLĐ cao như: Quang Chiểu, Mường Chanh, Trung Lý... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn hơn 25%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng. Đó cũng là căn cứ để năm 2023 huyện Mường Lát giảm dần việc xin gạo cứu trợ, năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không còn phải xin gạo cứu đói mùa giáp hạt từ tỉnh".
XKLĐ đã minh chứng là hướng đi đúng đắn, giúp Mường Lát không chỉ giảm nghèo, mà còn tiến tới phát triển bền vững. Những kết quả bước đầu trong công tác XKLĐ là tiền đề quan trọng để huyện vùng biên này tiếp tục vươn xa, đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2030.
Đình Giang