Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh 15,5%, cà phê lập kỷ lục

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh 15,5%, cà phê lập kỷ lục
2 ngày trướcBài gốc
Tính đến hết tháng 6, cả nước đã gieo cấy khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng nhẹ 0,03% so với cùng kỳ. Diện tích đã thu hoạch ước đạt 3,33 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 22,7 triệu tấn, tương đương 101,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chăn nuôi ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ: đàn lợn tăng 3,8%, đàn gia cầm tăng 4%, trong khi đàn trâu và bò giảm lần lượt 3,4% và 0,6%. Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới đạt 153,5 nghìn ha (tăng 18,9%) và sản lượng gỗ khai thác đạt 11,2 triệu m³ (tăng 9%). Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 4,55 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Trong đó nông sản: 18,46 tỷ USD (tăng 17,8%); thủy sản: 5,16 tỷ USD (tăng 16,9%); Lâm sản: 8,82 tỷ USD (tăng 9,3%); chăn nuôi: 264,4 triệu USD (tăng 10,1%) và sản phẩm đầu vào và muối: tăng lần lượt 23,6% và 2,4 lần.
Về khu vực, châu Á vẫn là thị trường chủ lực với 42% thị phần, tiếp theo là châu Mỹ (23,5%) và châu Âu (15,6%). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang châu Âu tăng 46,3%, châu Phi tăng 99,5%. Xét theo quốc gia, ba thị trường lớn nhất gồm Mỹ(21,1%), Trung Quốc (17,6%) và Nhật Bản (7,2%).
Cà phê tiếp tục là mặt hàng nổi bật nhất với kim ngạch đạt 5,45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng khối lượng xuất khẩu đạt 953,9 nghìn tấn, tăng 5,3% về lượng và tăng 67,5% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.708 USD/tấn (tăng 59,1%). Các thị trường tăng trưởng mạnh gồm Đức (gấp 2,2 lần), Tây Ban Nha (tăng 55,8%) và đặc biệt là Mexico (tăng 71,6 lần).
Các ngành hàng chủ lực khác cũng khởi sắc như cao su xuất khẩu đạt 1,27 tỷ USD, tăng 14,4% nhờ giá xuất khẩu tăng 22,4% dù lượng giảm nhẹ. Trung Quốc chiếm 70% thị phần;
Gạo xuất khẩu 4,9 triệu tấn, trị giá 2,54 tỷ USD. Giá giảm 18,4% khiến kim ngạch giảm 12,2% dù khối lượng tăng;
Rau quả: Kim ngạch đạt 3,05 tỷ USD, giảm 8,4% do sụt giảm mạnh từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ và Hồng Kông lần lượt tăng 65,2% và 69,2%;
Hạt điều xuất khẩu đạt 2,36 tỷ USD, tăng 20,4% nhờ giá bán tăng 23,8%;
Hạt tiêu: Mặc dù lượng giảm, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 35,7% đạt 859,6 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 6.900 USD/tấn.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 53,7%, Mỹ tăng 22,8%, Nhật Bản tăng 9,1%. Mức tăng cao nhất ghi nhận tại Brazil (71,3%) và mức giảm thấp nhất tại Australia (1,4%).
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,21 tỷ USD trong 6 tháng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm 55,6% thị phần. Nhật Bản và Trung Quốc theo sau với lần lượt 12,6% và 10,4%.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng 12,1%, Nhật Bản tăng 26,7%, nhưng Trung Quốc giảm 20,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn, Tây Ban Nha có mức tăng mạnh nhất (55,4%).
Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, dù một số mặt hàng có sụt giảm về khối lượng, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh, nhiều ngành hàng vẫn đạt tăng trưởng giá trị ấn tượng. Đặc biệt, sự mở rộng và đa dạng hóa thị trường đã giúp giảm thiểu rủi ro, mở ra triển vọng thuận lợi cho xuất khẩu nửa cuối năm 2025.
Đ.T
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-6-thang-dau-nam-2025-tang-manh-15-5-ca-phe-lap-ky-luc-319616.html