Xuất khẩu rau quả giảm 5 tháng liên tiếp khi mặt hàng sầu riêng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 5 ước đạt 496 triệu USD, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, đây là tháng thứ 5 liên tiếp kim ngạch sụt giảm.
Trong đó, 4 tháng đầu năm, Trung Quốc chi 777 triệu USD nhập khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn khác như Hàn Quốc và Thái Lan cũng lần lượt giảm 5% và 3%.
"Việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng hay giảm đều phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng chủ lực là sầu riêng", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, loại trái cây này liên tục gặp khó khăn khi Trung Quốc đã tăng tỷ lệ kiểm tra 100% chất vàng O và Cadimi đối với các lô hàng sầu riêng có xuất xứ Việt Nam.
Điều này khiến các lô hàng bị tắc nghẽn tại cửa khẩu do thời gian thông quan kéo dài 7-8 ngày. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu phần chi phí kiểm định chất lượng tốn kém.
Không chỉ sầu riêng, việc xuất khẩu các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Ông Nguyên cho hay từ tháng 5 Trung Quốc đã bước vào mùa thu hoạch các loại trái cây nên sản lượng nội địa tăng cao. Bên cạnh đó, Campuchia, Lào và các nước Nam Mỹ cũng tăng cường xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, do đó ngành rau củ quả Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với phía Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Trong đó, việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và đẩy nhanh quy trình kiểm nghiệm, đặc biệt đối với sầu riêng, phải được ưu tiên thực hiện.
Về dài hạn, ngành sẽ tái cơ cấu theo hướng bền vững, tập trung hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa mã số vùng trồng, đầu tư vào chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh nhằm nâng cao giá trị và giảm phụ thuộc vào hàng tươi.
Hôm 22/5, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, toàn bộ đều là mã mới.
Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được GACC phê duyệt.
Theo Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt, đây là tín hiệu tích cực cho mùa vụ sầu riêng đang bước vào cao điểm, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11. Với hệ thống mã số ngày càng mở rộng, doanh nghiệp và địa phương có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá.
Đồng thời, việc cấp mã mở ra điều kiện thuận lợi để thực hiện các hợp đồng đã ký giữa người dân và doanh nghiệp, hạn chế tranh mua, tranh bán. Cục trưởng nhấn mạnh từ nay, việc rải vụ không chỉ là kỹ thuật canh tác, mà còn là chiến lược thị trường.
Ngày 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo 4 Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Công an cùng vào cuộc, cấp tập thống nhất quy trình kiểm tra thông quan sầu riêng sang Trung Quốc và xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Bộ Công Thương được giao tích cực thúc đẩy thị trường trong nước và đàm phán mở cửa các thị trường xuất khẩu khác cho sản phẩm sầu riêng Việt Nam.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, với các giải pháp đúng đắn và căn cơ từ Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng trở lại, góp phần thúc đẩy toàn ngành rau củ quả Việt Nam trong thời gian tới.
Anh Nguyễn