Nói thẳng sự phập phù của sầu riêng Việt Nam

Nói thẳng sự phập phù của sầu riêng Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 24/5, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì Hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành hàng tỷ đô này bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng xuất khẩu.
Diện tích trồng sầu riêng tăng “chóng mặt”
Theo thống kê, trong chưa đầy một thập kỷ, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô diện tích và sản lượng, từ 32.000ha năm 2015 lên gần 180.000ha vào năm 2024 (tăng 6 lần). Trung bình mỗi năm tăng 16.300 ha.
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt.
Quang cảnh hội nghị.
Những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất nước gồm Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Nông…
Đáng nói, thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Đơn cử, năm 2024 có tới 97,2% sầu riêng Việt được tiêu thụ tại thị trường tỷ dân này. Sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính gây biến động kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT - cho biết, năm nay, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai của Trung Quốc, song đã có sự sụt giảm nghiêm trọng tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch. Kết quả này khiến cho thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 42,1% xuống còn 28,2%.
Tăng cường thanh kiểm tra, nâng cao chất lượng
Đánh giá về ngành hàng sầu riêng Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng có 7 tồn tại, hạn chế cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng tỷ đô.
Hiện tượng tăng trưởng nóng về sản lượng và xuất khẩu sầu riêng đang diễn ra. Các chuỗi sản xuất - tiêu thụ còn rời rạc và thiếu cơ chế rõ ràng. Sự mất cân đối giữa tăng trưởng và tổ chức chuỗi giá trị gây rủi ro cho ngành: Vi phạm kỹ thuật, trả hàng, mất thị trường. Yêu cầu kỹ thuật từ các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đặc biệt về kiểm tra kim loại nặng và chất cấm (Cadimi và chất Vàng O), đòi hỏi toàn chuỗi giá trị phải có hành động phù hợp.
Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Hệ quả là tình trạng giả mạo, mượn mã số, sử dụng mã số sai mục đích vẫn diễn ra, làm gia tăng rủi ro bị trả hàng, đình chỉ xuất khẩu và suy giảm uy tín quốc gia…
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn (bìa trái) chia sẻ thông tin với Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy khi đi thực tế tại vùng trồng sầu riêng vào sáng 24/5.
Bà Ngô Tường Vy - CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho hay, người tiêu dùng cần trái sầu riêng vừa tươi, bắt mắt và an toàn. Đó là lý do sầu riêng được nhúng qua nghệ để diệt khuẩn cũng như đáp ứng về mặt cảm quan.
“Tôi đề xuất Bộ NN&MT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ra sản phẩm bảo quản trái sầu riêng đáp ứng xuất khẩu, đây là vấn đề cấp thiết. Cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế”, bà Vy nói.
Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&MT 3 vấn đề: Ban hành cơ chế khuyến khích sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, chất tạo màu, làm chín đều, bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại Đắk Lắk. Xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao, gắn với thương hiệu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lấy Đắk Lắk làm điểm.
Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy (giữa) trao đổi thông tin khi đi thăm thực tế vùng trồng sầu riêng tại Đắk Lắk sáng 24/5.
Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, xuất khẩu sầu riêng vẫn còn những khó khăn trong kiểm tra kỹ thuật và an toàn thực phẩm từ các nước nhập khẩu, cùng với cạnh tranh và áp lực tiêu thụ do sản xuất tăng nhanh. Bộ NN&MT đã đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng, bao gồm hoàn thiện quy định về mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.
Ông Duy nói thêm, Bộ NN&MT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý và kiểm tra liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đặc biệt, sẽ phân quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý chất lượng, tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm để xây dựng chuỗi sản xuất sầu riêng an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Huỳnh Thủy
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/noi-thang-su-phap-phu-cua-sau-rieng-viet-nam-post1745156.tpo