Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2025 đạt hơn 520 triệu USD, giảm 13% so với tháng 4 năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 1,62 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường chủ lực chiếm gần 46% tổng kim ngạch ngành hàng chỉ đạt 777 triệu USD, giảm gần 33%. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc lần lượt chiếm 9% và 6% thị phần, đạt giá trị xuất khẩu tương ứng là 154 triệu USD và 101 triệu USD.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng sụt giảm nghiêm trọng của mặt hàng sầu riêng, với kim ngạch chỉ đạt 130 triệu USD trong 4 tháng, giảm tới 74% so với cùng kỳ năm 2024. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), sự chững lại tại thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Trong bối cảnh đó, các loại trái cây khác như xoài và dừa ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, lần lượt đạt 100 triệu USD (+27%) và 66 triệu USD (+18%) so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trái cây chế biến cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam trở thành nhà cung cấp trái cây chế biến lớn thứ 11 của Mỹ, với mức tăng trưởng ấn tượng 57,7%.
Các mặt hàng như chuối, mít, xoài, nhãn, vải thiều và thanh long đang được đẩy mạnh xuất khẩu dưới nhiều hình thức: tươi, đông lạnh và sấy khô.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong tháng 4/2025, Việt Nam đã ký kết 4 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bao gồm các nội dung liên quan đến xuất khẩu ớt và chanh leo. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản.
Đối với sầu riêng, Bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách và dài hạn nhằm phục hồi thị trường, từ việc hoàn thiện quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, đến đảm bảo thủ tục pháp lý phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc bảo vệ chuỗi cung ứng sầu riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm 2023, trong đó riêng sầu riêng chiếm tới 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, với đà suy giảm hiện tại, mục tiêu đạt 8 tỷ USD trong năm 2025 được nhận định là khó khả thi.
Trước tình hình xuất khẩu suy giảm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ vải thiều năm 2025. Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tổng sản lượng vải cả nước dự kiến đạt khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm trước. Trong đó, khoảng 40% sản lượng được định hướng cho xuất khẩu.
Tại Bắc Giang, vùng trồng vải trọng điểm, diện tích vải thiều năm nay đạt khoảng 29.700 ha, sản lượng ước tính hơn 165.000 tấn. Tỉnh đang triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến tiêu thụ trong nước và quốc tế, bao gồm các hội chợ thương mại tại Trung Quốc, châu Âu và nhiều thị trường tiềm năng khác.
Đặc biệt, Nhật Bản đã chấp thuận để Việt Nam tự giám sát quy trình xử lý kiểm dịch đối với vải thiều xuất khẩu, thay vì cử chuyên gia sang giám sát như trước. Mỹ cũng vừa phê duyệt thêm 3 mã số vùng trồng tại Bắc Giang, nâng tổng số lên hơn 240 mã, tương ứng với gần 18.000 ha.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh của trái vải, địa phương cần chủ động đầu tư vào hạ tầng bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là hệ thống kho lạnh và trung tâm sơ chế hiện đại. Đồng thời, yêu cầu giám sát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, duy trì chất lượng và an toàn thực phẩm cho xuất khẩu.
Hùng Nguyễn