Xuất khẩu sầu riêng gặp… sầu

Xuất khẩu sầu riêng gặp… sầu
4 giờ trướcBài gốc
Giá, sản lượng xuất khẩu giảm mạnh
Ghi nhận những ngày qua tại tỉnh Tiền Giang và một số huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An), giá sầu riêng Monthong Thái được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 130.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 là 90.000 đồng/kg. So với hơn 2 tháng trước, giá sầu riêng giảm 30.000-40.000 đồng/kg (tùy loại). Nông dân Nguyễn Minh Long (xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình có 1,2ha sầu riêng đang cho trái, khoảng 1,5 tháng nữa sẽ bước vào kỳ thu hoạch rộ.
Thu hoạch sầu riêng để xuất khẩu tại các nhà vườn ở tỉnh Đắk Lắk
“Trước thông tin Trung Quốc siết chặt điều kiện nhập khẩu, từ sau tết, gia đình tôi đã giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tích cực chăm sóc cây để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng. Tuy nhiên, với chi phí chăm sóc tăng cao, trong khi giá sầu riêng liên tục giảm và dự kiến còn giảm, e rằng vụ này không lời, thậm chí lỗ vốn”, ông Long lo lắng. Còn ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) chia sẻ, hơn 1 tuần nay, khi thấy giá sầu riêng giảm mạnh, nhiều thành viên HTX như “ngồi trên lửa”.
“Toàn bộ 10ha sầu riêng của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phù hợp với quy hoạch vùng trồng. Ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX cũng đang gắn chặt các chủ thể trong chuỗi sản xuất, từ nông dân đến thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu, không để đứt gãy, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan”, ông Lộc cho hay.
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến giữa tháng 2, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 3.500 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc (giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước). Tình trạng này xảy ra sau khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát chất lượng, đặc biệt liên quan đến dư lượng chất vàng O - một loạt chất cấm được phát hiện trên sầu riêng.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam đã lên tới 169.000ha, gấp hơn 2 lần quy hoạch ban đầu đến năm 2030. Phá vỡ quy hoạch là hệ lụy mà Bộ NN-PTNT đã nhiều lần cảnh báo từ các năm 2021-2022 đến nay.
“Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nông sản nhập khẩu, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước. Trong đó, các lô hàng sầu riêng phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi, chất vàng O và việc kiểm nghiệm phải thực hiện tại các phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận. Tất cả các lô sầu riêng Việt Nam đưa vào Trung Quốc đều bị kiểm tra 100% trước khi thông quan. Đây là biện pháp khẩn cấp của Trung Quốc nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.
Phải kiểm soát dư lượng hóa chất từ gốc
Theo ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, trước tình hình giá cả, số lượng sầu riêng xuất khẩu giảm, hiệp hội đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định. Trong khi đó, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đã siết chặt quy định sản xuất, chế biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ đầu ra.
Kho sầu riêng xuất khẩu của các nhà vườn ở tỉnh Đắk Lắk
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cũng thông tin, sở đang tăng cường quản lý chất lượng đầu vào đối với sản phẩm sầu riêng, từ quá trình trồng, thâm canh, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói xuất khẩu; đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu khẩn trương hoàn thiện thủ tục kiểm định chất vàng O tại các trung tâm được phía nước nhập khẩu công nhận.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu sầu riêng, Bộ NN-PTNT đang tăng cường năng lực kiểm nghiệm, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ùn tắc do thiếu phòng xét nghiệm. Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, cơ quan chức năng đã chỉ đạo các cục chuyên ngành phối hợp cơ quan công an xử lý nghiêm các trường hợp làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch, kết quả kiểm nghiệm.
Tăng cường hợp tác với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý ngay các lô hàng vi phạm, tránh ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng. Về lâu dài, Bộ NN-PTNT thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để đưa xuất khẩu sầu riêng quay lại quy trình theo nghị định thư mà hai nước đã ký kết, tránh áp dụng các biện pháp bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chương trình giám sát dư lượng hóa chất đang được triển khai trên toàn bộ vùng trồng để đảm bảo chất lượng sầu riêng đạt tiêu chuẩn ngay từ khâu sản xuất.
- Ông ĐOÀN THANH SƠN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc nâng cao chất lượng nông sản, nhưng một số thương nhân Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi. Điều này khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn khi các tiêu chuẩn không được đáp ứng kịp thời.
- Ông VÕ HỮU LONG, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Long Thủy (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng):
Trung Quốc siết chặt nguồn sầu riêng nhập khẩu đối với các mặt hàng nhiễm chì, cadimi ở mức rất thấp. Đây là rào cản khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Chúng tôi phải gửi mẫu đi Hà Nội, Cần Thơ để xét nghiệm tại các trung tâm do phía Trung Quốc chỉ định. Dù đã có kết quả đạt tiêu chuẩn nhưng khi đến cửa khẩu xét nghiệm lại vẫn có những trường hợp không đạt, khiến doanh nghiệp xuất khẩu không biết xoay xở thế nào. Điều đó buộc chúng tôi phải thận trọng hơn và đồng nghĩa với nguy cơ thời gian tới vào chính vụ tại khu vực Tây Nguyên, hàng ngàn tấn sầu riêng không thể xuất khẩu được.
- Bà NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG, Giám đốc Công ty CP Nông sản N&H (Đắk Lắk):
Để sầu riêng đạt được tiêu chuẩn của đơn vị nhập khẩu, doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước phải bắt tay để sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng. Trong đó, người trồng sầu riêng cần tuân thủ quy trình sản xuất (sử dụng phân, thuốc đúng quy định mà cơ quan nhà nước cho phép); ngành chức năng có hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vùng trồng.
PHÚC HẬU - NGỌC PHÚC - ĐOÀN KIÊN - MAI CƯỜNG - HỮU PHÚC
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/xuat-khau-sau-rieng-gap-sau-post783302.html