Xuất khẩu thép của Trung Quốc dự báo giảm trước làn sóng thuế

Xuất khẩu thép của Trung Quốc dự báo giảm trước làn sóng thuế
2 giờ trướcBài gốc
Các cuộn thép ở một nhà máy thép tại thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Deposit Photos
‘Cơn lũ’ thép giá rẻ Trung Quốc đối mặt làn sóng áp thuế
Là nước xuất khẩu thép lớn nhất, Trung Quốc chiếm khoảng 55% sản lượng thép của thế giới. Xuất khẩu thép của nước này tăng mạnh trong năm nay và dự kiến vượt mốc 100 triệu tấn, ngang bằng với mức đỉnh gần đây nhất vào năm 2016.
Các nhà chiến lược của Macquarie Capital dự đoán, xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 109 triệu tấn trong năm nay, trước khi giảm xuống 96 triệu tấn vào năm 2025 do tác động của làn sóng áp thuế của nhiều nước trên thế giới.
Báo cáo của ngân hàng Citigroup trong tháng này dẫn lời của Ren Zhuqian, nhà phân tích của hãng tư vấn thép Mysteel cho biết, xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ chuyển sang xu hướng giảm kể từ năm tới do các biện pháp chống bán phá giá.
Thị trường nước ngoài đặc biệt quan trọng đối với các nhà sản xuất thép của Trung Quốc trong bối cảnh nguồn cung trong nước dư thừa, khi nền kinh tế vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và hoạt động sản xuất chậm lại.
Trong tháng 9, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 26% so với một năm trước, lên 10,2 triệu tấn, vượt mức đỉnh 10 triệu tấn/tháng được ghi nhận vào tháng 6-2016. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 80,7 triệu tấn, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015, xuất khẩu thép của Trung Quốc trượt dốc trong nhiều năm trước khi bắt đầu cải thiện vào năm 2020. Kể từ đó, xuất khẩu thép tăng tốc do nhu cầu trong nước suy yếu.
“Cơn lũ” thép giá rẻ từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại của các đối tác thương mại về sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các nhà sản xuất thép trong nước. Ngày càng có nhiều nước tăng cường các biện pháp chống bán phá giá, bao gồm các mức thuế cao.
Theo Chim Lee, nhà phân tích cấp cao của Economist Intelligence Unit (EIU), các nhà sản xuất thép ở các nước nhập khẩu thép Trung Quốc đang chịu “áp lực lớn”.
Hồi tháng Tám, Thái Lan bổ sung một số sản phẩm thép cuộn cán nóng của Trung Quốc vào diện bị áp thuế chống bán phá giá 31%.
Cục Ngoại Thương Thái Lan khởi xướng cuộc điều tra né thuế bán phá giá đối 17 nhà sản xuất thép cuộn cán nóng của Trung Quốc hồi tháng 9-2023. Cơ quan này kết luận rằng, họ đã thêm hợp kim vào các sản phẩm thép cuộn cán nóng để thay mã sản phẩm với mục đích né thuế bán phá giá.
Cuối năm ngoái, Mexico áp thuế gần 80% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất trong nước than phiền rằng, sản lượng của họ bị bóp nghẹt vì thép giá rẻ của Trung Quốc.
Trong tháng này, chính phủ Brazil áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép từ Trung Quốc. Kể từ ngày 22-10, các sản phẩm thép của Trung Quốc sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% khi bán sang Canada.
Tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã áp mức thuế từ 12-30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, bao gồm ống thép và ống thép hàn không gỉ để bảo vệ ngành thép trong nước. Năm ngoái, nước này cũng đã gia gia hạn áp bán phá giá đối với một số sản phẩm thép khác của Trung Quốc thêm 5 năm.
Tác động của các biện pháp bảo hộ chỉ ngắn hạn
Theo nhận xét của Tomas Gutierrez, người đứng đầu bộ phận dữ liệu tại hãng tư vấn Kallanish Commodities, những biện pháp bảo hộ nói trên chỉ có tác động ngắn hạn. Ông cho rằng, các nhà xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể xóa bỏ nguồn gốc của sản phẩm để né thuế bằng cách xuất khẩu từ nước thứ ba.
“Thuế quan sẽ khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường thay thế, cho đến khi thị trường đó áp đặt các hạn chế thương mại mới”, Chim Lee, nhà phân tích cấp cao của EIU nói.
Hồi tháng 4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng gấp ba mức thuế đối với thép Trung Quốc. Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, Donald Trump đã cảnh báo có thể tăng thuế lên mức 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu tái đắc cử vào tháng tới.
Tác động từ những mối đe dọa này của Washington sẽ khá hạn chế, vì chưa đến 1% sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường sang Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, cuộc điều tra chống bán phá giá đang diễn ra của Việt Nam đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc có thể làm chệch hướng đà tăng trưởng xuất khẩu thép của nước này. Gutierrez cho rằng, nếu cuộc điều tra dẫn đến quyết định áp thuế chống bán giá, tác động đến hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với các biện pháp bảo hộ của các nước.
Việt Nam là nước nhập khẩu thép lớn của Trung Quốc, tiêu thụ khoảng 10% sản lượng thép xuất khẩu của nước này vào năm 2023, theo báo cáo của Mysteel. Các thị trường hàng đầu khác của thép Trung Quốc bao gồm Thái Lan, Ấn Độ và Brazil.
Nhu cầu trong nước ngày càng giảm
Mới đây, Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự báo, nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc trong năm nay sẽ chiếm chưa đến một nửa nhu cầu toàn cầu. Đây sẽ lần đầu tiên trong sáu năm qua, nhu cầu thép của Trung Quốc suy yếu xuống dưới ngưỡng này do sự sa sút của lĩnh vực bất động sản.
Chim Lee cho biết, nhu cầu thép của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể không cải thiện đáng kể cho đến năm 2025 hoặc 2026. Điều này là do Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế nguồn cung nhà ở mới trong khi nỗ lực giải phóng tồn kho nhà ở hiện nay.
Ông lưu ý, đầu tư hạ tầng do nhà nước dẫn dắt ở Trung Quốc đang chuyển hướng từ đường bộ và đường sắt sang cơ sở hạ tầng năng lượng. Xu hướng này khó có thể lấp đầy khoảng trống nhu cầu thép mà các nhà xây dựng nhà để lại.
Nhiều nhà sản xuất thép trong nước đã thu hẹp quy mô sản xuất do lợi nhuận kém. Gần 75% công ty thép ở Trung Quốc báo lỗ trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó, có nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo CNBC
Khánh Lan
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-thep-cua-trung-quoc-du-bao-giam-truoc-lan-song-thue/