Xuất khẩu thủy sản cần đạt 5,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm

Xuất khẩu thủy sản cần đạt 5,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm
2 ngày trướcBài gốc
Để đạt mục tiêu kế hoạch trên, ngành thủy sản cần đẩy mạnh xuất khẩu vào một số thị trường trọng tâm.
Về thị trường Hoa Kỳ (chiếm thị phần 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ), Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, thuế đối ứng tác động lớn đến ngành thủy sản, nhất là tương quan so sánh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador; thị trường có xu hướng suy giảm nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là tôm và cá hồi trong các tháng đầu năm 2025; ngày càng siết chặt kiểm soát nguồn gốc, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chặt chẽ, nguy cơ tác động từ các quy định về bảo vệ động vật biển.
Đối với thị trường này cần thúc đẩy gia tăng thị phần cá tra; rà soát hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế để giải quyết vấn đề Hoa Kỳ áp dụng Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển.
Đối với thị trường truyền thống và tiềm năng khác, Bộ này khuyến cáo cần duy trì thị phần và thúc đẩy thủy sản tươi sống tại thị trường Trung Quốc như mặt hàng tôm thẻ chân trắng và cá tra xuất khẩu có thể chững lại do cạnh tranh với sản phẩm tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, các nhóm sản phẩm như cá các loại khác, mực và bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ và cua ghẹ có tiềm năng lớn xuất khẩu sang Trung Quốc do nhu cầu tăng mạnh; phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc nhằm khơi thông thị trường nhập khẩu tôm hùm bông; duy trì tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế lớn về thủy sản như Hội chợ Thủy sản nghề cá Trung Quốc (Thanh Đảo).
Thủy sản là mặt hàng thứ 2 chịu áp lực lớn từ thuế suất tại thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: TL
Đồng thời, mở rộng thúc đẩy một số nhóm sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường châu Âu: Cá ngừ và thủy sản khai thác gặp khó khăn xuất khẩu vào EU do quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU. Tuy nhiên, châu Âu có xu hướng ổn định dần dần với nhóm hàng thủy sản, nhu cầu nhập khẩu thường tăng sau kỳ nghỉ hè. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang châu  tăng trưởng mạnh (29,2%) ở các mặt hàng cá tra, cá ngừ đóng hộp, cua ghẹ; ngoài ra có các loại cá biển có nhu cầu và doanh số bán tăng mạnh; tôm cũng có cơ hội tăng trưởng sang châu Âu; duy trì đoàn xúc tiến thương mại tham dự Triển lãm Thủy sản toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha).
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì và tăng cường thúc đẩy giao thương, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản (cá ngừ), Hàn Quốc. Mở rộng thị trường và gia tăng xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng đối tác, tìm kiếm bạn hàng tại khu vực Trung Đông (Dubai tiềm năng do thuế nhập khẩu thấp và nhu cầu đa dạng), Asean, Châu Đại Dương (Úc và các khu vực lân cận) và Châu Mỹ La tinh (cơ hội lớn vào Brazil khi mở cửa thị trường cho tôm và cá tra Việt Nam, là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ).
Ngoài ra, ngành thủy sản chú trọng phát triển nguồn cung để giảm áp lực về giá và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực: cá tra; tôm; cá ngừ; tuyên truyền, triển khai phối hợp trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững giữa doanh nghiệp, ngư dân để giữ vững thị trường và thúc đẩy xuất khẩu./.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công thương bổ sung các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2025: Hội chợ Gulfood (Dubai); Hội chợ thực phẩm Finefood Australia (Sydney), Hội chợ thực phẩm Food Expo Pro (Hồng Kông); Triển lãm thủy sản Châu Mỹ Latinh (Sao Paolo – Brazil).
Nam Khánh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-can-dat-54-ty-usd-trong-6-thang-cuoi-nam-179299.html