Xuất khẩu thủy sản năm 2025 tiếp tục khởi sắc

Xuất khẩu thủy sản năm 2025 tiếp tục khởi sắc
5 giờ trướcBài gốc
Cơ hội gia tăng giá trị, mở rộng thị trường
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng với khả năng thích ứng linh hoạt, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023.
Chế biến mực xuất khẩu. Ảnh minh họa
Đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm qua là 2 mặt hàng chủ lực tôm và cá tra, khi chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá tra mang về 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hải sản khai thác cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, gia tăng chế biến sâu các sản phẩm thủy sản cũng được các doanh nghiệp chú trọng để mở rộng và giữ vững vị thế trên các thị trường.
Nói về cơ hội và thách thức với ngành thủy sản Việt Nam năm 2025, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, nền kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu có chiều hướng tích cực hơn... sẽ là cơ hội tốt cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Trung Quốc đang hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực. Đồng thời, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á, và Trung Đông cũng hứa hẹn mở rộng, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP tiếp tục giúp ngành thủy sản giảm thuế, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và tận dụng phụ phẩm thủy sản phù hợp với tiêu chí kinh tế tuần hoàn sẽ gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.
Đặc biệt, chính sách thuế mới của Mỹ, nếu được triển khai, có thể tạo cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam khi các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước đối thủ chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc từ 60 - 100%, cao hơn so với các nước khác (từ 10 - 20%) thì ngành cá tra Việt sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Nỗ lực vượt thách thức
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, năm 2025, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản nuôi trồng. Tình trạng nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ và nguồn nước ô nhiễm có thể gây khó khăn cho sản xuất nguyên liệu thủy sản, nguy cơ dịch bệnh làm giảm nguồn cung và chất lượng nguyên liệu.
Tôm là 1 trong 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa
Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng và chất lượng thủy sản xuất khẩu. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng sản phẩm cho thủy sản Việt Nam. Các yếu tố như giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thủy sản, sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chiến tranh thương mại cũng là rào cản thị trường cho xuất khẩu thủy sản năm tới. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thay đổi trong giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đáng nói, thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường sẽ làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, những biến động địa chính trị có thể tác động theo nhiều cách khác nhau, từ thay đổi trong chính sách thương mại đến những căng thẳng trong khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục phát triển hệ sinh thái khép kín và đầu tư bài bản nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, doanh nghiệp có thể bán được với giá cao hơn tại các thị trường có mức thu nhập và tiêu chuẩn kiểm định cao. Nhất là cần làm chủ trong vấn đề nguyên liệu, giảm được giá thành để duy trì vị thế xuất khẩu vốn đang chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt từ những đối thủ lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ: "Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025 và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp, gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...".
Xuất khẩu thủy sản năm nay được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Ánh Ngọc
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-thuy-san-nam-2025-tiep-tuc-khoi-sac.html