Hơn 4 tấn tổ yến tinh chế cùng hàng triệu sản phẩm tổ yến đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đạt giá trị hơn 4 triệu USD.
Mở rộng thị trường
Tại sự kiện, đại diện từ Cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị định thư 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần đưa sản phẩm tổ yến "made in Việt Nam" vào Trung Quốc và đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực.
Hiện đã có 13 doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận để xuất khẩu sản phẩm tổ yến vào nước này; hơn 70 doanh nghiệp tham gia các chương trình giám sát để hoàn thiện nhà máy chế biến nhằm hướng tới xuất khẩu với hơn 4.000 nhà yến tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, đã có hơn 220 mẫu tổ yến được kiểm tra cho các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Nhằm mở rộng các loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký kết Nghị định thư 2022, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp tục tiến hành đàm phán để cho phép xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc. Kết quả, ngày 15/4/2025, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến đã được ký kết, bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô, thay thế cho Nghị định thư ký vào năm 2022.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng: Việc mở cửa thị trường Trung Quốc không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu mà còn có nhiều giá trị quan trọng khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu ổn định và cao. Điều này cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng lớn và đẩy mạnh doanh thu. Ngoài ra, tổ yến Việt Nam có mặt hợp pháp tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng cường giá trị thương hiệu và độ nhận diện, góp phần nâng cao uy tín cho sản phẩm.
Hơn nữa, nhu cầu lớn từ Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến đầu tư và sản xuất trong ngành. Sự hiện diện trên thị trường này cũng sẽ thúc đẩy chất lượng sản phẩm khi các doanh nghiệp phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch.
Gỡ khó, tăng tốc và xuất khẩu
Mặc dù Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu tổ yến chính ngạch từ 09/11/2023, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được hơn 4 tấn tổ yến tinh chế, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất và nhu cầu của thị trường. Một phần nguyên nhân nằm ở việc tổ yến Việt Nam ra mắt muộn hơn so với sản phẩm của Malaysia và Indonesia, dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc chưa hình dung rõ về thương hiệu tổ yến Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua, đặc biệt là đối với những sản phẩm cao cấp như yến sào. Công nghệ và kỹ thuật sản xuất tổ yến tại Việt Nam hiện cũng chưa phát triển mạnh, khiến giá thành sản phẩm cao và khó cạnh tranh với các nước khác.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, nhấn mạnh cần phát triển thị trường gắn với đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm.
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và áp dụng công nghệ cao từ các công đoạn như ấp trứng, nuôi nhân tạo, khai thác tổ yến… Tuy nhiên, việc phát triển nuôi chim yến chủ yếu diễn ra tự phát và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để nắm bắt cơ hội từ thị trường Trung Quốc, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, nhấn mạnh rằng, cần phát triển thị trường gắn với đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược quảng bá nhằm tạo dấu ấn vững chắc tại thị trường Trung Quốc.
THANH TRÀ