Theo báo cáo thống kê do công ty dữ liệu tài chính doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc FnGuide vừa công bố hôm nay 6/5, chỉ riêng trong quý I năm nay, 4 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Hàn Quốc là Hanwha Aerospace, Công nghiệp hàng không vũ trụ Đại Hàn (KAI), Hyundai Rotem và LIG Nex1 đã thực hiện những hợp đồng xuất khẩu vũ khí, khí tài quân sự lên tới trên 8.264 tỷ Won (tương đương khoảng gần 6 tỷ USD), với lợi nhuận thu về hơn 600 triệu USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tiêm kích KF-21. Ảnh: KAI
Trong đó các mặt hàng bán chạy nhất là pháo tự hành loại K9, pháo phản lực phóng loạt Chunmoo, máy bay tiêm kích FA-50 và KF-21, xe tăng K2, hệ thống đánh chặn tên lửa Sky Bow II…, với các khách hàng chủ yếu là Ba Lan và các nước Đông Âu, Malaysia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Peru…
Đặc biệt, lượng bán ra một số khí tài như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt, xe tăng… có mức tăng rất cao, dao động từ 1 đến 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Sky Bow II. Ảnh: LIG Nex1
Mặc dù lượng xuất khẩu các loại vũ khí, khí tài quân sự tăng đột biến, nhưng các doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong vài năm tới, do lượng đơn đặt hàng mới và các hợp đồng chưa hoàn thành vẫn còn khoảng gần 95.000 tỷ Won (tương đương khoảng 68 tỷ USD). Để thực hiện được các hợp đồng mới và hợp đồng còn tồn đọng này phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm nữa.
Trong khi đó, các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc cho biết, sau khi Hàn Quốc thâm nhập được thị trường công nghiệp quốc phòng Ba Lan, tính ưu việt của các vũ khí, khí tài Hàn Quốc bắt đầu được đánh giá cao hơn tại châu Âu, theo đó, lượng xuất khẩu vũ khí từ Hàn Quốc sang châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Hàn Quốc cần lập chiến lược tiếp thị đối với từng thị trường cụ thể như châu Âu, châu Phi, Trung Nam Mỹ… bằng những thế mạnh sẵn có về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm và dịch vụ hạ tầng.
Tuấn Nhật/VOV-Tokyo