Xuất nhập khẩu hàng hóa khẳng định động lực tăng trưởng kinh tế

Xuất nhập khẩu hàng hóa khẳng định động lực tăng trưởng kinh tế
6 giờ trướcBài gốc
Những kết quả nổi bật
Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng liên tiếp phải đối mặt với khó khăn, thách thức do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tổng cầu thế giới sụt giảm… Tuy nhiên, với sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành chức năng cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa của Hà Nam tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2024 ước đạt 9,58 tỷ USD (đạt 110% kế hoạch năm); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,15 triệu USD (đạt 107% kế hoạch năm).
Theo thông tin phản ánh của doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có bứt phá trong năm 2024, nhất là những tháng cuối năm với việc gia tăng các đơn hàng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong những tháng đầu năm mới 2025. Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần 199 (xã Thanh Hà, Thanh Liêm) cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng áo lông vũ cao cấp để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước châu Âu, giống như nhiều doanh nghiệp may mặc khác, đơn vị cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do quy mô, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, chủ động tìm kiếm đối tác mới trong nước để tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa, công ty vẫn duy trì ổn định hoạt động, đạt mức tăng trưởng dương qua các năm. Trong giai đoạn 2022-2024, doanh thu bình quân của công ty đạt trên 60 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 11 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Cổ phần Casla (Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu qua các năm.
Đối với khu vực FDI, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt với ngành may mặc, điện tử, dây điện, dây cáp điện… Điển hình như Công ty TNHH Gentherm Việt Nam (Khu Công nghiệp Đồng Văn II, Duy Tiên), những năm qua có doanh thu bình quân luôn đạt mức tăng trưởng dương khoảng 10%/năm. Riêng năm 2024, doanh thu của Gentherm Việt Nam đạt mức kỷ lục, với mức tăng trên 20%. Có được kết quả này, theo ông Lê Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Gentherm Việt Nam, trong quá trình hoạt động, Gentherm luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh cũng như các sở, ngành chức năng của tỉnh Hà Nam, nhất là trong việc kết nối, giới thiệu nguồn lao động, thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hải quan… Bên cạnh đó, GenTherm cũng rất chủ động trong việc tìm kiếm đối tác mới, đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng tự động hóa trong các khâu sản xuất… Năm 2024, doanh nghiệp đã rất thành công trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước châu Âu, châu Mỹ…
Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Hà Nam, tính đến hết năm 2024 có gần 1.400 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại đơn vị, tăng 11% so với năm 2023. Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (xấp xỉ 1.685 tỷ đồng) và tăng trên 17% so với năm 2023. Điểm đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng đều ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, ghi nhận nhiều mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; hàng may mặc; giày dép; sản phẩm từ cao su và plastic…
Tác động tích cực từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt trên 248.253 tỷ đồng, tăng 17,53% so với năm 2023. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng cao như: thiết bị điện, điện tử tăng xấp xỉ 57%; dây điện các loại tăng 33,5%; sữa tăng trên 14%... Năm 2024, Hà Nam là một trong hai tỉnh đứng đầu cả nước về tăng trưởng GRDP, với mức tăng trưởng 10,93% so với năm 2023.
Nhiều giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Trước những khó khăn, thách thức bủa vây, để duy trì tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, những năm qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, điểm nhấn là việc tổ chức hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; tổ chức đối thoại, lắng nghe khó khăn, ý kiến đề xuất của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới doanh nghiệp về tình hình thị trường, nhu cầu mặt hàng xuất khẩu sang thị trường các nước; nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và dự trữ hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do…
Chi cục Hải quan Hà Nam chú trọng cải cách hành chính, số hóa ngành hải quan để thu hút doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại đơn vị.
Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua, Chi cục Hải quan Hà Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan; tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực hải quan. Bên cạnh đó, Chi cục còn thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, hướng dẫn nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; chủ động tìm hiểu, làm việc với các doanh nghiệp có nguồn thu lớn và đưa ra những cam kết ưu đãi, hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp… Nhờ đó, chi cục ngày càng thu hút thêm được các doanh nghiệp lớn đến mở tờ khai và làm thủ tục tại đơn vị. Trong năm 2024, Chi cục đã thu hút được 110 doanh nghiệp mới làm thủ tục tại đơn vị. Các doanh nghiệp này đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 156 tỷ đồng.
Ông Lê Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam nhấn mạnh: Với đặc thù là chi cục hải quan nội địa, không có cửa khẩu, nếu không làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục thì sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chi cục. Xác định rõ điều đó, Chi cục Hải quan Hà Nam luôn coi số hóa ngành hải quan, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành là nhiệm vụ hàng đầu, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu luôn thông suốt, đúng quy trình, nhanh chóng và chính xác. Nhờ đó, chi cục ngày càng tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, xóa bỏ khoảng cách hải quan – doanh nghiệp.
Những kết quả nổi bật đạt được trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa những năm qua đã khẳng định động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi chậm.
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/kinh-te/xuat-nhap-khau-hang-hoa-khang-dinh-dong-luc-tang-truong-kinh-te-142399.html