Xúc động thăm nhà pháo thủ 'Xe tăng 390 bảo vật quốc gia' Lê Văn Phượng

Xúc động thăm nhà pháo thủ 'Xe tăng 390 bảo vật quốc gia' Lê Văn Phượng
7 giờ trướcBài gốc
Vinh quang người lính oai hùng
Chiếc xe tăng 390 cùng 4 người lính anh dũng gồm có: Trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên Đại đội; Thiếu úy Lê Văn Phượng - Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 (thay thế pháo thủ số 2 bị thương); Trung sĩ Nguyễn Văn Tập - lái xe; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên - Pháo thủ số 1.
Trong đó, pháo thủ Lê Văn Phượng sinh năm 1945, quê ở Thành cổ Sơn Tây, Hà Nội. Tháng 4-1965, đồng chí Phượng vào bộ đội, được đào tạo để trở thành chiến sĩ lái xe tăng. Đồng chí cùng đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch ác liệt Đường 9 - Nam Lào, năm 1970.
Sáng ngày 30-4-1975, đồng chí Phượng cùng đồng đội trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 tiến về Dinh Độc Lập, trụ sở đầu não của chính quyền Sài Gòn. Khi xe tăng 390 tiến tới cổng Dinh, nhìn thấy xe 843 dừng bên cổng phụ của Dinh. Lúc đó giáp mặt quân thù, không thể chần chừ, chờ cấp trên ra lệnh mới tấn công, các đồng chí đã xông thẳng vào, sẵn sàng hy sinh nếu cánh cổng có đạn bom do địch cài đặt. Khi đó, bản thân đồng chí Phượng cũng không thể ngờ hành động của mình lại trở thành một dấu ấn lịch sử. Khoảnh khắc đó các đồng chí chỉ đơn giản nghĩ: Thế là mình không chết, mình sắp được về với vợ con!
Qua lời kể của vợ thì đồng chí Phượng không thể nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Bên cạnh nhiều kỷ niệm chiến trường đáng nhớ, đồng chí Phượng có ba ấn tượng khó phai, đó là xúc động sâu sắc khi được lựa chọn vào đội hình của Trung đoàn pháo binh dự lễ tang Bác Hồ kính yêu năm 1969; là một trong những người đầu tiên trong hàng triệu người lính Cụ Hồ, tấn công thẳng vào sào huyệt đầu não của địch; và đồng chí cũng vô cùng tự hào khi được lựa chọn chỉ huy xe tăng trong Lễ duyệt binh chào mừng chiến thắng ngay sau ngày 30-4-1975.
Sau giải phóng miền Nam, với tinh thần “Đâu có giặc là ta cứ đi”, Lê Văn Phượng lại cùng đồng đội chiến đấu trên các chiến trường, bảo vệ Tổ quốc.
Lê Văn Phượng có nhiều tài lẻ, đàn hay, hát tốt, vẽ cũng không đến nỗi nào. Đồng chí có một kỷ vật được trưng bày tại Dinh Thống Nhất, đó là chiếc bi đông đựng nước do đồng chí tự tay khắc chiếc xe tăng 390 lên đó.
Năm 2015, kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, dịp 30-4, cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Phượng còn tự hào cùng vợ vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ. Thế mà không ngờ, với bệnh tim tái phát, anh đã ra đi vào tháng 3-2016, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội.
Cưới vợ hôm trước, hôm sau đi chiến trường
Trong dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, bà Ngọc - vợ đồng chí Phượng đã bùi ngùi ôn lại với chúng tôi chuyện tình yêu, cuộc hôn nhân hạnh phúc vượt qua mấy chục năm chiến tranh vệ quốc của hai ông bà. Bà Ngọc rớm nước mắt, nói: “Ai cũng bảo vợ chồng tôi yêu thương nhau hết lòng. Mấy chục năm anh chiến đấu ở chiến trường, tôi thương anh hơn chính bản thân mình”...
Lê Văn Phượng nhập ngũ năm 1965, đi biền biệt 6 năm mới xin nghỉ phép, sắp hết phép thì gia đình giục cưới vợ. Ngày 24-9-1971, đồng chí cưới vợ, thì ngay ngày hôm sau thì lên đường vào chiến trường.
Bà Ngọc xúc động nhớ lại: Chồng là bạn thân của anh trai tôi. Tôi khi đó làm ở nhà máy Ươm tơ Hoài Đức (Hà Tây cũ). Tôi và anh yêu nhau ba năm, chủ yếu qua thư từ. Dạo đó chiến tranh ác liệt, cũng không nhận được tin tức gì của chồng, bỗng năm 1972 anh trở về nhà với bao nhiêu vết thương... Thậm chí đồng đội tưởng anh đã chết. Anh về được hơn 1 tháng thấy khỏe hơn thì quay lại chiến trường, từ đó tôi cũng bặt tin anh. May mắn là tôi đã mang thai và sinh con trai đầu lòng.
Không có tin tức gì của anh, hằng ngày, tôi cũng như mọi người ở hậu phương chỉ biết nghe đài, đọc báo, biết được bộ đội giải phóng đi đến đâu là tôi và bạn bè lại dùng bút màu tô vào địa điểm đó trên bản đồ.
Năm 1974, anh Bùi Quang Thận cùng đơn vị với anh Phượng được về phép ở quê Thái Bình. Anh Thận lên Sơn Tây thăm bố mẹ chồng tôi, rồi đến tận nhà máy tôi công tác tại Hoài Đức, thăm mẹ con tôi, báo tin anh Phượng vẫn khỏe, đang ở đơn vị, gia đình tôi mừng khôn xiết.
Sau đó chúng tôi vẫn bặt tin anh Phượng. Ngay cả khi miền Nam được giải phóng, mọi người ai cũng mừng vui, nhưng tôi phải nén lòng không dám khóc vì không nhận được tin chồng, cứ nghĩ dại “Hay là anh hy sinh rồi”. Tôi đọc báo mong chút tin tức của anh hay của đơn vị anh, nhưng cũng không thấy.
Lúc đó bà Lê Thị Trúc, Giám đốc nhà máy Ươm tơ rất thương tôi, bà nhắc anh chị em trong nhà máy năng qua lại hỏi han, giúp đỡ, trò chuyện động viên mẹ con tôi. Quá lo lắng, tôi về nhà bố đẻ, chia sẻ với ông liệu có phải anh Phượng đã hy sinh không? Bố tôi chậm rãi nói như đinh đóng cột: “Nó không chết được đâu!”. Tôi vừa lo lại vừa hy vọng. Mỗi một ngày sau ngày chiến thắng 30-4 lúc đó đối với tôi đều dài vô tận.
Mãi đến giữa tháng 5-1975, bà Trúc, Giám đốc nhà máy chạy vội, tay cầm theo lá thư đến nhà tôi trong khu tập thể nhà máy, bà reo to, gọi tôi đọc thư của Phượng gửi này, đọc to lên cho mọi người cùng nghe! Anh chị em cán bộ nhà máy vây quanh, tôi run run bóc thư, đọc hết từng chữ của chồng gửi về, không bỏ sót một chữ nào, đọc to cho tất cả mọi người cùng nghe. Biết anh đang ở Sài Gòn, vẫn khỏe mạnh, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi.
Thế mà mãi tận cuối 1975 anh Phượng mới về phép thăm nhà. Lúc đó tôi mới biết, sau giải phóng các anh có nhiều việc. Anh Phượng đưa tôi về thăm quê anh Bùi Quang Thận ở Thái Bình và chuyển xe đạp anh Thận gửi về cho vợ.
Anh Phượng hết phép lại đi Nam, không có thời gian ở lại ăn Tết với gia đình, quê hương. Sau đó, anh và đơn vị tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam, rồi đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, tôi ở nhà sinh con trai thứ 2. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đơn vị của anh Phượng được điều động. Anh Phượng tranh thủ ghé thăm nhà, chúng tôi lại có thêm cô con gái. Bốn mẹ con ở nhà cứ mong ngóng được bố về thăm... Năm 1986, anh nghỉ hưu với quân hàm Đại úy sau hơn 20 năm chiến đấu ở khắp các chiến trường.
Trong căn nhà nằm ở cuối ngõ đường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, bà Ngọc thắp nén hương cho chồng, bà lại rưng rưng: "Anh đi xa đã 9 năm nhưng hình như bóng dáng anh vẫn luôn ở đây, bên tôi. Tình yêu của tôi với anh vẫn vẹn nguyên như khi anh còn sống, vẫn như khi anh vượt qua mưa bom bão đạn trở về bên vợ con".
Trần Thu Hằng
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/xuc-dong-tham-nha-phao-thu-xe-tang-390-bao-vat-quoc-gia-le-van-phuong-700826.html