Xúc động tình cảm của bà giáo Nga 100 tuổi dành cho Việt Nam

Xúc động tình cảm của bà giáo Nga 100 tuổi dành cho Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Vào những ngày này, người dân Moskva nói riêng và trên toàn nước Nga nói chung đang hướng đến kỷ niệm ngày lễ vô cùng thiêng liêng, ngày lễ tri ân và tôn vinh những công lao “trời biển” của các thầy cô giáo.
Cũng giống như ở Việt Nam, vào Ngày Nhà giáo ở Nga, học trò, dù là học trò cũ, sống hay đi làm xa khắp muôn nơi, bận rộn mấy cũng dành thời gian gọi điện chúc mừng thầy cô, hay đơn giản gửi những bông hoa qua đường bưu điện, lời chúc qua tin nhắn, mạng xã hội với ước mong bình dị sao cho thầy cô luôn mạnh khỏe, tiếp tục chèo lái “con thuyền tri thức” vĩ đại nhất trên bến sông đời.
100 tuổi vẫn nghiên cứu khoa học
Trước ngày lễ quan trọng của nước Nga, tôi có may mắn được cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đến nhà bà giáo Sophia để gửi thư chúc mừng của Đại sứ Đặng Minh Khôi tới bà.
Dù đã đọc nhiều trên báo chí Nga và Việt Nam về bà Sophia, cô giáo dạy tiếng Nga đầu tiên cho những học trò “hạt giống đỏ” Việt Nam được cử sang Liên Xô học tập năm 1954, tuy nhiên khi trực tiếp được gặp bà, tôi không nghĩ người phụ nữ mang đầy ắp sự đôn hậu Nga này đã bước sang tuổi 100.
Tháng 2 vừa qua, đúng dịp sinh nhật lần thứ 100 của bà Sophia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư chúc mừng và ghi nhận những đóng góp của bà đối với nước Nga. Ông Putin chúc bà luôn vui vẻ, luôn giữ tinh thần lạc quan và những điều tốt đẹp nhất.
Khi được bà mời vào phòng khách uống trà, tôi choáng ngợp bởi góc Việt Nam, nơi bà trang trí đồ lưu niệm, những kỷ vật được nhiều thế hệ học trò Việt Nam tặng trong suốt quãng thời gian 70 năm qua.
Bà giới thiệu: “Đây là bức ảnh của tôi chụp khi đến Việt Nam được các học trò in ra và gửi tặng. Góc bên trên, là các bức tranh Đông Hồ với ‘tuổi đời’ cũng đã khá lâu”. Giọng nói của bà dù ở tuổi cao nhưng vẫn rất đỗi dịu dàng, trong trẻo, đặc biệt đúng nhịp điệu thanh vần dành cho người nước ngoài học tiếng Nga.
Góc Việt Nam trong căn hộ của bà Sophia Korchikova. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Tôi cũng đã từng được cán bộ Đại sứ quán kể rằng, hiện nay dù tuổi cao nhưng bà Sophia vẫn hăng say làm việc, nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đó trong đầu tôi chưa hình dung bà giáo Nga làm những công việc gì và sử dụng các công cụ hỗ trợ như thế nào?
Khi bước vào phòng làm việc của bà, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là chiếc máy tính để bàn đang bật và trên màn hình là một văn bản tài liệu bằng tiếng Nga. Tôi quay lại, khẽ hỏi bà: “Bà sống cùng cháu gái à?”.
Đúng tâm thái của một giáo viên giàu kinh nghiệm đứng lớp, dường như bà hiểu ngay được ý câu hỏi của tôi, bà trả lời một cách rành mạch, dễ hiểu: “Không, tôi chỉ có một mình, thỉnh thoảng có người giúp đỡ việc nhà cho tôi. Máy tính tôi vẫn sử dụng thường ngày để làm việc, để nghiên cứu khoa học. Trong các dịp ngày lễ ở Việt Nam hay sinh nhật học trò cũ, tôi vẫn sử dụng máy tính này để gửi thư chúc mừng đến họ”.
Cuộc “hội ngộ” xúc động
Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Nga, các thế hệ học trò ở Việt Nam từng được bà Sophia dạy dỗ và giúp đỡ đều nhớ và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến bà. Bà kể rằng, lời chúc của các học trò có thể được gửi qua hòm thư điện tử hoặc mạng xã hội facebook, tuy nhiên thời gian gần đây mạng xã hội này ở Nga khó tiếp cận nên chủ yếu bà liên hệ với các học trò qua thư điện tử.
Năm nay, trong số những học trò đó, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tuyết Minh; Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi; Nhà thơ-dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Họ đã nhờ chúng tôi kết nối cuộc “hội ngộ” giữa cô và trò qua nền tảng hỗ trợ trực tuyến trên điện thoại. Bất ngờ nhìn thấy các học trò của mình qua màn hình, được họ gửi những lời thăm hỏi, chúc những điều tốt đẹp nhất, bà Sophia thật sự cảm động.
Bà Sophia Korchikova nói chuyện trực tuyến với các học trò Việt Nam. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Không biết từ lúc nào, trên đôi gò má của người phụ nữ Nga đôn hậu đã chai sạn bởi những vết sẹo thời gian ngập tràn những dòng nước mắt. Có lẽ bà khóc không phải vì nhớ các học trò sau bao ngày gặp lại mà khóc bởi vì quá hạnh phúc. Hạnh phúc, theo chia sẻ của bà, đó là thấy được những người mình yêu quý, dìu dắt đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước, nơi họ sinh ra lớn lên.
Nhắc lại một số tên những học trò cũ của 70 năm về trước, bà ân cần hỏi thăm, hiện tại họ sống ra sao? Công việc như thế nào? Vẫn những lời nói, cử chỉ quen thuộc của một cô giáo tâm huyết với nghề, yêu quý học trò như ngày nào, bà Sophia ngay sau đó ngước nhìn ra phía khác với ánh mắt trĩu nặng, tiếc nuối. Có lẽ, ánh mắt đó của bà cũng đã nói lên nỗi buồn trong tâm người giáo viên đôn hậu khi bà hiểu rõ quy luật cuộc sống, biết được trong số những học trò thân yêu có những người đã mãi đi xa.
Cuộc "hội ngộ" giữa cô và trò nhân Ngày Nhà giáo Nga. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Trong cuộc hội ngộ ngắn ngủi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ, ngoài việc soạn những cuốn sách, tài liệu tham khảo riêng giúp học sinh Việt Nam học tiếng Nga, cô Sophia còn giúp hiệu đính nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Nga trong suốt 70 năm qua. Đặc biệt, bà luôn có cảm tình đặc biệt với đất nước, con người Việt Nam.
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi nhắc lại những kỷ niệm khi được cùng cô Sophia hợp tác làm việc. Ông nói rằng, từ nhỏ cô Sophia đã biết làm thơ, đọc thơ rất hay và đặc biệt cô từng làm chủ biên, biên tập nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Bà Sophia Korchikova giới thiệu về các học trò. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Mặc dù, chủ động kết nối ngay từ đầu, nhưng do mất kết nối mạng internet, nhà thơ-dịch giả Hoàng Thúy Toàn không trực tiếp tham dự cuộc thoại này. Xúc động gửi lời chúc mừng muộn tới cô giáo yêu quý, nhà thơ-dịch giả Hoàng Thúy Toàn chia sẻ, thật may mắn ông được làm học trò của cô. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ cô Sophia, dù cô đã 100 tuổi nhưng vẫn miệt mài trong công tác giảng dạy, truyền bá tri thức về tiếng Nga, văn hóa và văn học Nga.
Lời tri ân
Trong thư chúc mừng bà Sophia nhân Ngày Nhà giáo ở Nga, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nêu rõ, năm nay Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm sự kiện đặc biệt trong lịch sử hợp tác hai nước. Đúng 70 năm trước, năm 1954, Bác Hồ đã gửi 100 chàng trai, cô gái sang Liên Xô học tập.
Đại sứ nhấn mạnh, công lao của bà Sophia trong việc giáo dục, giúp đỡ những sinh viên này thích nghi và hoàn thành xuất sắc chương trình học tiếng Nga vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và sự nghiệp tương lai của họ.
Trong số các học trò của bà có những cá nhân thật sự xuất sắc, sau này họ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tuyết Minh; nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhiều người khác đều tự hào rằng, họ là học trò của bà.
Cán bộ Đại sứ Quán Việt Nam tại Liên bang Nga đọc thư của Đại sứ Đặng Minh Khôi chúc mừng bà Sophia Korchikova nhân Ngày Nhà giáo ở Nga. (Ảnh: XUÂN HƯNG)
Sự kiên nhẫn, tâm huyết và kiến thức mà bà đã truyền đạt cho nhiều thế hệ sinh viên đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng học trò của mình, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và nhân danh cá nhân, Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến bà vì những nỗ lực và sự tận tâm của bà trong công việc.
“Chúng tôi tin tưởng, chính những thầy cô như bà là nền tảng để xây dựng mối quan hệ quốc tế và tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân chúng ta. Xin chúc bà sức khỏe, hạnh phúc và trường thọ. Chúc mỗi ngày của bà tràn ngập niềm vui và nguồn cảm hứng!”, trong thư Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi bày tỏ.
XUÂN HƯNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/xuc-dong-tinh-cam-cua-ba-giao-nga-100-tuoi-danh-cho-viet-nam-post834943.html