Xung đột giao thông ngày gần Tết, ứng phó thế nào?

Xung đột giao thông ngày gần Tết, ứng phó thế nào?
17 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh cắt từ clip quay lại vụ hành hung do đối tượng Lê Văn Hiền gây ra. (Nguồn: Facebook)
Phóng viên:
Thưa TS, ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực, ẩu đả sau va chạm giao thông tại Việt Nam hiện nay?
TS Đào Trung Hiếu:
Căng thẳng và xung đột sau va chạm giao thông là một hiện tượng đáng báo động. Với mật độ phương tiện giao thông lớn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, việc xảy ra va chạm, mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi là điều phổ biến. Đáng chú ý, các hành vi bạo lực sau va chạm có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.
Năm 2024 đã khép lại với nhiều vụ việc nghiêm trọng được ghi nhận. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về tổng số vụ ẩu đả và số vụ khởi tố trong năm 2024, nhưng các trường hợp được báo chí đưa tin cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Điển hình như vụ Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người xảy ra ngày 30/12/2024 tại Bình Dương. Sau va chạm giao thông, Lê Văn Hiền (36 tuổi) đã tấn công anh N.T.B (40 tuổi) bằng tay, chân và mũ bảo hiểm, gây chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong sau hơn 4 ngày điều trị; vụ Cố ý gây thương tích tại TP.HCM (12/2024). Sau va chạm giao thông, Bùi Thanh Khoa (SN 1984) đã đánh dã man một cô gái trên đường Khánh Hội, gây bức xúc trong dư luận..
Hậu quả của các vụ ẩu đả sau va chạm giao thông như gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng. Nhiều trường hợp dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong, như vụ việc tại Bình Dương; những người tham gia ẩu đả có thể bị khởi tố, đối mặt với án tù, ảnh hưởng đến tương lai và gia đình; tác động xấu đến xã hội, gây tâm lý bất an trong cộng đồng, làm xấu hình ảnh văn hóa giao thông, tạo tiền lệ xấu cho các hành vi bạo lực.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu đến từ việc: thiếu kiềm chế cảm xúc. Nhiều người không kiểm soát được cơn giận, dẫn đến hành vi bạo lực sau va chạm; Thiếu hiểu biết pháp luật: không nhận thức được hậu quả pháp lý của hành vi ẩu đả và có thể là do Áp lực cuộc sống và giao thông: căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày và môi trường giao thông phức tạp dễ dẫn đến xung đột.
Phóng viên:
Tại sao chỉ một va chạm nhỏ trên đường cũng có thể dẫn đến tranh cãi hoặc xung đột lớn, thưa TS ?
TS Đào Trung Hiếu:
Các va chạm nhỏ thường là chất xúc tác cho những cảm xúc tiêu cực đã tồn tại từ trước, như căng thẳng do công việc, áp lực cuộc sống. Khi va chạm xảy ra, nếu hai bên không có thái độ hợp tác, hành vi thiếu kiềm chế dễ dẫn đến tranh cãi hoặc xung đột. Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết pháp luật, văn hóa giao thông yếu kém cũng góp phần làm tăng mức độ nghiêm trọng của các tình huống.
Phóng viên:
Những người có xu hướng bộc phát cơn giận khi gặp va chạm thường có đặc điểm tâm lý gì?
TS Đào Trung Hiếu:
Những người này thường có tính cách nóng nảy, dễ bị kích động và ít có khả năng kiểm soát cảm xúc. Họ có xu hướng phản ứng nhanh trước những kích thích bên ngoài mà không cân nhắc đến hậu quả. Một số người còn mang tâm lý hiếu thắng, không muốn thừa nhận sai lầm, dẫn đến hành vi xung đột khi bị đối phương chỉ trích.
Đối tượng Khoa đã tấn công cô gái sau khi va chạm giao thông trên đường Khánh Hội. (Ảnh cắt từ clip)
Phóng viên:
Có ý kiến cho rằng các hành vi “ám thị xã hội” do tác động của mạng xã hội khiến người tham gia giao thông dễ có hành vi quá khích. Ông nhận định thế nào về điều này?
TS Đào Trung Hiếu:
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Khi xem nhiều đoạn video bạo lực trên mạng, người xem dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi được lặp đi lặp lại đó. Những hình ảnh bạo lực vô tình trở thành phản ứng mặc định khi họ gặp tình huống tương tự ngoài đời. Đây là một dạng ám thị tiêu cực, khiến hành vi quá khích trở nên phổ biến hơn trong các tình huống va chạm giao thông.
Phóng viên:
Tại sao câu nói “Mày có biết tao là ai không?” thường xuất hiện trong các tình huống va chạm giao thông ở Việt Nam đến vậy?
TS Đào Trung Hiếu:
Câu nói này thể hiện tâm lý tự tôn và cái tôi cao của người nói, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa coi trọng vị thế xã hội ở Việt Nam. Khi xảy ra va chạm, một số người sử dụng câu này để khẳng định quyền lực hoặc vị trí xã hội của mình nhằm lấn át đối phương. Đây cũng là một dạng hành vi phản ứng do thiếu kiểm soát cảm xúc và muốn khẳng định cái tôi cá nhân.
Phóng viên:
Trong tình huống căng thẳng, đâu là bước đầu tiên cần làm để tránh leo thang xung đột? Ông có thể chia sẻ một số phương pháp hiệu quả để kiểm soát cảm xúc khi xảy ra va chạm giao thông? Trường hợp đối phương dùng vũ lực tấn công ngay thì phải làm thế nào?
TS Đào Trung Hiếu:
Bước đầu tiên là giữ bình tĩnh và tránh phản ứng ngay lập tức. Hãy hít thở sâu, điều này giúp kiểm soát (giảm) nhịp tim và tránh bộc phát cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh đó, nếu thấy cơn giận đang bốc lên trong mình, hãy đếm nhẩm số thứ tự từ 1 đến 10 trước khi đưa ra phản ứng. Cách này giúp bình tĩnh hơn và suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Sau khi tạm dừng vài giây để ổn định cảm xúc, cần giữ giọng nói nhẹ nhàng, đừng lớn tiếng tranh đúng, bảo vệ cái tôi, hoặc dùng từ ngữ mang tính công kích. Nhận lỗi nếu sai và đề nghị cùng tìm giải pháp thay vì đổ lỗi cho nhau.
Tình huống sự việc diễn biến phức tạp, có thể gọi đường dây nóng 113 đề nghị Công an can thiệp giải quyết. Nếu đối phương dùng vũ lực tấn công, đừng sợ mất thể diện, hãy bỏ chạy đến nơi an toàn. Tình huống bị đối phương “đuổi cùng, giết tận”, dồn mình vào bước đường cùng, hãy nhớ rằng pháp luật dành cho mọi người quyền phòng vệ chính đáng, quy định tại Điều 22 – Bộ luật hình sự năm 2015. Nghĩa là được quyền chống trả lại một cách cần thiết đối với người đang có hành vi tấn công để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học, gia đình và nhà trường có vai trò cực kỳ quan trọng đến việc hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc cho trẻ từ nhỏ.
Phóng viên:
Vậy vai trò của gia đình và nhà trường ở đâu, trong việc hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc cho trẻ từ nhỏ, thưa ông?
TS Đào Trung Hiếu:
Kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp mỗi cá nhân phản ứng một cách bình tĩnh và hợp lý trước các tình huống căng thẳng hoặc bất ngờ. Kỹ năng này không tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài từ khi còn nhỏ. Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc là vô cùng quan trọng, cụ thể như sau:
Về vai trò của gia đình: Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và cảm xúc của trẻ. Cha mẹ không chỉ là người dạy trẻ các kỹ năng sống cơ bản mà còn là tấm gương cho trẻ noi theo trong cách ứng xử và xử lý cảm xúc. Theo chúng tôi có một số phương pháp khá hiệu quả như sau:
Một là, dạy trẻ cách nhận biết và gọi tên cảm xúc: ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nhận biết các trạng thái cảm xúc của mình như vui, buồn, giận dữ, lo lắng... Khi trẻ hiểu rõ cảm xúc của mình, chúng sẽ biết cách kiểm soát tốt hơn;
Hai là, khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc một cách lành mạnh: thay vì kìm nén hoặc bộc phát cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách bày tỏ cảm xúc thông qua lời nói hoặc các hoạt động tích cực như vẽ, viết nhật ký..; khen ngợi khi trẻ kiểm soát tốt cảm xúc. Cả gia đình và nhà trường nên thường xuyên khích lệ khi trẻ biết kiềm chế cảm xúc và xử lý tình huống một cách bình tĩnh. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin và tiếp tục phát huy thói quen tốt.
Ba là, làm gương cho trẻ: trẻ em thường học hỏi cách ứng xử từ cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn bình tĩnh và xử lý tình huống một cách ôn hòa, trẻ sẽ học được cách kiềm chế và giải quyết vấn đề tương tự.
Bốn là, không nên trấn áp cảm xúc của trẻ: khi trẻ giận dữ hoặc buồn bã, cha mẹ không nên dùng biện pháp quát mắng hoặc ép trẻ im lặng, mà nên đồng hành và hướng dẫn trẻ vượt qua cảm xúc đó.
Về vai trò của nhà trường: Nhà trường là nơi trẻ học hỏi và rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng, trong đó có kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Các chương trình giáo dục hiện đại không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) của học sinh. Cụ thể là:
Thứ nhất, lồng ghép giáo dục cảm xúc vào chương trình giảng dạy: Nhà trường nên lồng ghép các bài học về cảm xúc, kỹ năng sống vào môn học chính khóa hoặc các hoạt động ngoại khóa. Những buổi thảo luận nhóm, trò chơi nhập vai giúp trẻ nhận biết cảm xúc và cách phản ứng phù hợp trong các tình huống khác nhau. Khuyến khích trẻ viết nhật ký cảm xúc. Việc viết ra những điều khiến trẻ vui, buồn hoặc tức giận là một cách hiệu quả giúp trẻ giải tỏa cảm xúc. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên có thể dựa vào đó để hiểu tâm lý trẻ và đưa ra hướng dẫn phù hợp.
Thứ hai, tạo môi trường học tập thân thiện, không áp lực: Khi học sinh cảm thấy thoải mái, an toàn trong môi trường học đường, các em sẽ dễ dàng chia sẻ cảm xúc và học cách kiểm soát bản thân tốt hơn.
Thứ ba, rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột: Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột một cách hòa bình. Những kỹ năng này giúp học sinh biết cách giữ bình tĩnh và tìm giải pháp hợp lý khi xảy ra mâu thuẫn.
Thứ tư, vai trò của giáo viên chủ nhiệm: Giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên quan tâm, lắng nghe học sinh và hướng dẫn các em cách giải tỏa căng thẳng trong học tập, cuộc sống. Thay vì chỉ trích khi học sinh nóng giận, giáo viên nên tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên tích cực.
Kiểm soát cảm xúc là kỹ năng quan trọng, cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ hình thành thói quen này. Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc sẽ trưởng thành thành một người biết cách ứng xử văn minh, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn và lành mạnh hơn. Đặc biệt, khi trẻ lớn lên và tham gia giao thông – một môi trường nhiều áp lực, kỹ năng này sẽ giúp trẻ biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh, tránh được các hành vi bạo lực đáng tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Khang
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/xung-dot-giao-thong-ngay-gan-tet-ung-pho-the-nao-723123.html