Đầu tháng này, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga bằng tên lửa phóng từ một máy bay không người lái (UAV) thuộc hải quân. Điều này cho thấy rõ xung đột Ukraine không chỉ là cuộc đối đầu giữa con người và các loại vũ khí truyền thống, mà còn dần trở thành nơi thử nghiệm những công nghệ mới, đặc biệt là UAV và trí tuệ nhân tạo (AI).
Những tiến bộ đó đang dần xóa mờ vai trò con người trong chiến đấu, mở ra kỷ nguyên tự động hóa vũ khí. Trí tuệ nhân tạo hiện đã đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến này, đến mức nhiều chuyên gia đã bắt đầu gọi đó là “cuộc chiến của các UAV”. AI không chỉ tăng tính tự chủ cho thiết bị bay mà còn giúp chúng tránh bị vô hiệu hóa bởi hệ thống tác chiến điện tử hoặc bị cắt liên lạc khỏi người điều khiển.
Một người lính Ukraine điều khiển UAV. Ảnh: Reuters
Theo một thống kê gần đây của bà Kateryna Bondar – thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và cựu cố vấn của chính phủ Ukraine, trong số gần 2 triệu máy bay không người lái được Ukraine mua vào năm 2024, có khoảng 10.000 chiếc được trang bị công nghệ AI.
Dòng UAV được điều khiển bằng AI mà Kiev đang triển khai rất đa dạng về hình dáng, chức năng, chi phí và quy mô hoạt động. Chúng bao gồm những chiếc máy bay giá rẻ, tích hợp chip xử lý và phần mềm mã nguồn mở do Ukraine tự chế tạo cho tới các thiết bị tối tân do các công ty quốc phòng phương Tây phát triển, như Anduril và Shield AI của Mỹ, hay công ty khởi nghiệp Helsing có trụ sở tại Đức.
Tuy nhiên, dù xuất xứ hay thiết kế có khác nhau đến đâu, nền tảng hoạt động của chúng vẫn xoay quanh một nguyên lý cốt lõi: thay thế con người trong những chức năng chiến đấu trọng yếu.
“Theo định nghĩa đơn giản nhất, một máy bay không người lái tích hợp công nghệ AI có thể thay con người thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ xác định mục tiêu đến ra quyết định khai hỏa”, ông Ned Baker, Giám đốc điều hành khu vực Vương quốc Anh của Helsing, giải thích. Hồi tháng 2/2025, công ty khởi nghiệp được định giá 4,95 tỷ euro này đã công bố hợp đồng sản xuất thêm 6.000 chiếc máy bay không người lái tấn công thế hệ mới HX-2 cho Ukraine, sau khi hoàn tất đơn hàng gồm 4.000 chiếc HF-1 trước đó.
Vai trò của con người
Theo chuyên gia Kateryna Bondar, trí tuệ nhân tạo đang trao cho các máy bay không người lái khả năng thị giác máy tính – công nghệ từng xuất hiện trên drone thương mại phục vụ mục đích thể thao và giải trí. Với đủ nguồn lực và tích hợp công nghệ phù hợp, một chiếc drone hiện đại có thể trở thành hệ thống vũ khí hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, bà Bondar lưu ý, cho đến nay, vẫn chưa có thiết bị nào được phép hoạt động độc lập mà không cần tới sự giám sát của con người vẫn là mắt xích cuối cùng trong chuỗi quyết định.
Sự khác biệt cốt lõi giữa máy bay không người lái tích hợp công nghệ AI và các loại vũ khí tự động trước đây như tên lửa nằm ở khả năng đưa ra quyết định trong thời gian thực.
“Tên lửa đi theo lộ trình được lập trình trước dựa trên các thuật toán do con người tạo ra. Trong khi đó, máy bay không người lái AI có thể tự bay, quan sát, phân tích và định hướng mà không cần bất kỳ chỉ dẫn cố định nào”, bà Bondar nói.
Theo ông Nick Reynolds, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), dù các công ty quốc phòng đưa ra nhiều hứa hẹn về các hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn, thực tế chiến trường lại không tuân theo những mô hình lý tưởng hóa.
Khả năng huấn luyện AI phụ thuộc vào dữ liệu thực tế. Một số nhà cung cấp như Helsing có thể tiếp cận dữ liệu thông qua hợp đồng với chính phủ nhưng phần còn lại của ngành công nghiệp thì “gặp khó khăn nghiêm trọng” nếu không có dữ liệu chiến trường.
Một trở ngại đáng kể khác chính là chi phí cao và sự phức tạp kỹ thuật của công nghệ AI – từ việc tích hợp các loại chip chuyên dụng đến phát triển phần mềm phù hợp với môi trường tác chiến khắc nghiệt. Điều này là một thách thức lớn do các UAV quân sự thường chỉ được thiết kế cho các nhiệm vụ tự sát. Theo bà Bondar, sự phổ biến của những chiếc UAV “thô sơ” – được kết nối bằng dây cáp quang dài để né tránh các hệ thống gây nhiễu – là minh chứng rõ ràng rằng việc tích hợp AI vào vũ khí không phải là giải pháp tức thời. Đó là một quá trình phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính, thời gian và kiến thức chuyên sâu.
Cuộc chiến cũng là nơi mà nhịp độ thay đổi công nghệ trở nên không thể đoán định, bởi theo ông Baker, “tiền tuyến thay đổi sau mỗi hai tuần”. Để thích nghi, Helsing phát hành các bản cập nhật phần mềm định kỳ – giống như bản cập nhật trên iPhone, để các đơn vị sử dụng chúng có thể truy cập tính năng mới ngay trên nền tảng cũ.
Bà Bondar cho rằng việc các thiết bị AI vẫn đang ở trạng thái “bán tự động”, tức con người vẫn giữ vai trò giám sát: “Người ta vẫn chưa hoàn toàn tin vào máy móc. Chúng ta hiện đang ở giai đoạn chuyển tiếp, con người không còn chiến đấu bằng tay không nhưng máy móc cũng chưa thể hoạt động đơn độc nếu thiếu bàn tay con người. Tuy nhiên, tôi dự đoán rằng điều này sẽ sớm thay đổi trong khoảng 2 năm tới".
“AI sẽ nhanh chóng có tầm quan trọng ngang với sự ra đời của thuốc súng, súng máy hay xe tăng. Chỉ có điều, cách nó định hình cục diện chiến sự tương lai thì chưa ai có thể hình dung nổi”, chuyên gia này nói thêm.
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo Financial Times, RT