Xung quanh đề án cơ cấu lại TKV tới năm 2025

Xung quanh đề án cơ cấu lại TKV tới năm 2025
20 giờ trướcBài gốc
Năm cuối thực hiện cơ cấu
Ngày 27/10/2023, Chính phỉ có Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại TKV đến năm 2025. Mục tiêu của đề án tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, tinh gọn hiệu quả, phát triển phù hợp với xu thế,... góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Như vậy, năm 2025 chính là năm cuối, năm bản lề để TKV hoàn thiện công tác cơ cấu lại hệ thống thượng tầng cũng như xuống từng công ty thành viên trong "họ TKV". Thời gian qua, một số đơn vị thành viên thuộc họ TKV đã tiến hành sáp nhập cũng như sắp xếp cơ cấu lại bộ máy hoạt động.
Moong than Cọc 6. (Ảnh:TD6)
Cụ thể, sau đề án, có 2 công ty con của TKV là Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai sáp nhập thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu từ tháng 6/2024. Việc sáp nhập tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng quy mô tài sản, nâng cao công suất khai thác than hằng năm. Trong khi đó giảm lượng lớn các nhân sự quản lý cấp cao, giảm thiểu đầu mối, tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp...
Tiếp đó, trong quý IV/2024, TKV đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét thông qua Phương án sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV và Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng -TKV thành chi nhánh trực thuộc Công ty mẹ - TKV. Tập đoàn đang hoàn tất việc xây dựng Đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh việc sáp nhập, các công ty thành viên của TKV thực hiện tái cơ cấu theo hướng giảm cấp trung gian, tinh giản bộ máy hoạt động, tăng lao động trực tiếp... Đơn cử như tại Công ty CP Vật tư TKV, sau thực hiện đề án cơ cấu lại theo mô hình mới từ 1/7/2024, đơn vị giảm được 16 phòng ban, xí nghiệp và 29 cán bộ cấp quản lý. Sau nửa năm hoạt động sau tái cơ cấu, công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 38% so với năm 2023.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 40 đơn vị thành viên thuộc "họ" TKV.
Tuy nhiên, trong hoạt động cơ cấu lại, hiện TKV vẫn duy trì bộ máy hoạt động với dày đặc các công ty thành viên gây áp lực lớn lên chi phí quản lý và gây áp lực lên nhiều chi phí khác liên quan.
Còn khoảng 40 công ty thành viên "họ" TKV tại Quảng Ninh
Theo đề án cơ cấu lại TKV tới năm 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện thể chế quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, quản trị đầu tư, quản trị chi phí.
Theo thông tin TKV công bố, tính tới hết tháng 6/2024, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có 25 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc và 39 đơn vị là công ty con được hợp nhất với công ty mẹ. Bên cạnh đó là các công ty thuộc hàng "cháu" và các công ty liên danh liên kết, nâng tổng số các công ty "họ TKV" có thể lên tới cả trăm đơn vị liên quan.
Công ty CP Than Cao Sơn tại Tp.Cẩm Phả.
Đáng chú ý, trong bức tranh các thành viên của TKV, có nhiều đơn vị hoạt động với nhiệm vụ tương đồng và nằm san sát nhau trong khu vực địa lý, có khi chỉ tương đương diện tích 1 phường sau sáp nhập mà tỉnh Quảng Ninh vừa trình phương án.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tại Tp.Cẩm Phả có hàng loạt doanh nghiệp với nhiều vụ sản xuất tương đồng là sản xuất than thuộc TKV như: Công ty Than Thống Nhất, Than Cao Sơn, Than Quang Hanh, Than Mông Dương, Than Tây Nam Đá Mài...
Tình trạng trên cũng tương tự như tại khu vực Tp.Hạ Long, Tp. Uống Bí... Tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung khoảng 40 đơn vị thành viên thuộc TKV.
Sau cơ cấu, TKV được kỳ vọng trở thành tập đoàn sản xuất có công nghệ khai thác hiện đại. Trong đó xây dựng được đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ cao, tăng tỉ trọng lao động trực tiếp, giảm lao động, các khâu trung gian. (Ảnh:TKV)
Ngoài ra, theo BCTC bán niên 2024 mà TKV công bố, TKV đang còn vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp hoạt động ngoài lĩnh vực, cụ thể như: Khách sạn heritage Hạ Long, Công ty CP Du lịch và Thương mại TKV, Công ty Đầu tư phát triển Nhà và hạ tầng... đây là các lĩnh vực mà TKV phải thực hiện thoái vốn theo đề án cơ cấu lại.
Tính tới tháng 6/2024, riêng khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của tập đoàn đã đạt hơn 3.025 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính trong cả năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 7.122 tỷ đồng, có giảm hơn hơn 200 tỷ đồng so năm 2022.
Song song với khoản chi phí quản lý hàng nghìn tỷ, TKV cũng ghi nhận khoản chi phí tài chính rất lớn. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024 TKV ghi nhận hơn 1.400 tỷ đồng chi phí tài chính. Trong đó, chi phí lãi vay hơn 1.000 tỷ đồng.
Than đang được vận tải bằng đường sắt về Công ty Tuyển than Cửa Ông.
Liên quan vấn đề ứ đọng vốn, trong đề án cơ cấu lại TKV đến năm 2025, đề án yêu cầu TKV xây dựng cơ chế thanh toán tập trung phù hợp, tránh để tiền ứ đọng ở nhiểu khâu trung gian trong khi vẫn đi vay ngắn hạn phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu.
Thực tế mới đây trong báo cáo thường niên 2025, Công ty CP Vật tư - TKV cũng đã đề xuất TKV có cơ chế hỗ trợ trong hoạt động thanh toán bù trừ với các đơn vị trong tập đoàn, giảm áp lực chi phí tài chính cho đơn vị.
Năm 2025, TKV đặt mục tiêu khai thác 39 triệu tấn than, doanh thu hơn 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 6.980 tỷ đồng. Tại ngày cuối quý II/2024, tổng tài sản TKV đạt hơn 119.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 50.689 tỷ đồng.
Nguyễn Hữu Phương
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/xung-quanh-de-an-co-cau-lai-tkv-toi-nam-2025-204250427041035171.htm