Ý kiến tâm huyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X

Ý kiến tâm huyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X
8 giờ trướcBài gốc
Trung tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam:
Quân đội luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện tốt các nghị quyết, các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tiên phong, gương mẫu trong tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”... với nhiều mô hình, việc làm sáng tạo, như: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”; "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới; “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Nâng bước em đến trường”... Những kết quả trên khẳng định rằng, Quân đội là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, luôn thực hiện có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thời gian tới, Quân đội sẽ quán triệt, thực hiện tốt các chương trình hành động do Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X đề ra và cụ thể hóa triển khai bằng các chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, giải pháp đại hội xác định; tiền phong, gương mẫu thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội; tích cực tham gia xây dựng khu dân cư tự quản, khu tập thể quân nhân đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; tích cực phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
---------------------------------------------------
Thượng tướng BẾ XUÂN TRƯỜNG, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam:
Phát huy truyền thống, gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Trung thành-Đoàn kết-Gương mẫu-Đổi mới”, giữ gìn và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền biển, đảo, phòng, chống thiên tai, bão, lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư và công tác phòng, chống đại dịch Covid-19... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước.
Thượng tướng BẾ XUÂN TRƯỜNG, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
Những năm tiếp theo, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động MTTQ Việt Nam, Thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam tập trung tuyên truyền, giáo dục các hội viên phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Đảng, Nhà nước. Động viên CCB nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp; tham gia phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào của đất nước, địa phương. Xây dựng hệ thống tổ chức hội các cấp vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ hội có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đúng định hướng và đồng bộ với xây dựng Ban chấp hành các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng Hội trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
---------------------------------------------------
Đồng chí NGUYỄN LAN HƯƠNG, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội:
Phát huy vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân tham gia bảo đảm an sinh xã hội
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm khối đại đoàn kết, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, góp của, góp sức chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên địa bàn cả nước, góp phần cùng Đảng, Nhà nước từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tiêu biểu như: Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống và chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng; vận động nhân dân ủng hộ các loại quỹ như: Quỹ “Cứu trợ”, Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”, Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”... tổng trị giá 780 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 5.100 Nhà Đại đoàn kết, cùng nhiều phương tiện lao động sản xuất, học tập trị giá hơn 341 tỷ đồng... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp triển khai hỗ trợ 724 nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở xuống cấp trên địa bàn với tổng số tiền gần 62 tỷ đồng.
Đồng chí NGUYỄN LAN HƯƠNG, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội
Để thực hiện có hiệu quả việc vận động các nguồn lực bảo đảm cho công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống; tích cực, chủ động làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào những khó khăn, hạn chế còn tồn tại.
---------------------------------------------------
Đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh:
Tập hợp sức dân, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách
Vào giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, những vấn đề xã hội đặt ra chưa có tiền lệ, đặc biệt là khi thực hiện chủ trương về giãn cách xã hội. Trong hoàn cảnh ấy, MTTQ các cấp thành phố đã phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chính sách an sinh xã hội kịp thời, sáng tạo, giúp thành phố vững vàng vượt qua đại dịch.
Đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm An sinh thành phố) là đơn vị trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam-Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã kêu gọi ủng hộ, tiếp nhận, phân phối hơn 1.900 tỷ đồng đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, các cơ sở dân tộc, tôn giáo, các khu phong tỏa, các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh, mua vaccine, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19... Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các địa phương kêu gọi các tầng lớp nhân dân, tổ chức tôn giáo đồng hành tổ chức 160 bếp ăn thiện nguyện, tham gia phục vụ hơn 59.000 suất ăn hằng ngày cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ ngành y tế, các bệnh viện trong điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng việc tham gia quét dọn, vệ sinh khuôn viên bệnh viện, chăm sóc việc ăn, uống, vệ sinh cho bệnh nhân, hậu cần, dinh dưỡng tại các bệnh viện.
Trải qua thời điểm cam go nhất của dịch Covid-19, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp TP Hồ Chí Minh tỏ rõ vai trò trong tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội thành phố trong thực hiện công tác an sinh xã hội.
---------------------------------------------------
Hòa thượng, TS THÍCH THANH NHIỄU, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Phật giáo đồng hành với đất nước
Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam trong hai tiếng đồng bào. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội"; tăng, ni thực hành Phật sự với thông điệp “Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh-Phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình” và “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” đã thực sự là minh chứng cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, là sự kế thừa tinh hoa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; đồng thời có những đóng góp công sức to lớn trong các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Hòa thượng, TS THÍCH THANH NHIỄU, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt quan tâm chương trình mới của MTTQ Việt Nam: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Đây là yêu cầu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, góp phần tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Mặt trận và các tổ chức thành viên, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải tập trung làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng, giữ gìn mối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia vào quá trình bảo đảm, chăm lo đời sống của nhân dân, bồi dưỡng sức dân; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá, khát vọng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
---------------------------------------------------
Đồng chí VÕ THỊ MINH SINH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An:
Chuyển đổi số - chìa khóa then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận
Bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã chỉ rõ, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là "cuộc cách mạng" để đưa đất nước phát triển vượt bậc. Nhận thức rõ điều ấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai chuyển đổi số với lộ trình bài bản, giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn; đồng thời ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với VNPT Nghệ An, tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính, từ việc hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành đến việc xây dựng các nền tảng tương tác trực tuyến với người dân.
Đồng chí VÕ THỊ MINH SINH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, xác định đây là "nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược", hướng tới mục tiêu "Đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng công nghệ số", triển khai thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ trong ứng dụng công nghệ, với 6 nhóm nội dung: Hệ thống quản lý văn bản, chữ ký số; hội nghị truyền hình trực tuyến; các phần mềm quản lý chuyên môn; số hóa cơ sở dữ liệu; thí điểm xây dựng hệ thống quản lý phản ánh, tương tác với người dân; mở rộng kênh thông tin, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội.
Để ứng dụng tốt chuyển đổi số-chìa khóa then chốt-vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện; đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hệ sinh thái số cho Mặt trận; nâng cao năng lực số cho cán bộ Mặt trận và nhân dân; tăng cường tận dụng sức mạnh của việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử; phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số...
---------------------------------------------------
Ông HOÀNG ĐÌNH THẮNG, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế
Trong những năm vừa qua, bám sát định hướng hoạt động của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, sự hướng dẫn, chỉ đạo của MTTQ Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước châu Âu, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động cộng đồng; chú trọng làm tốt công tác đối ngoại; vận động bà con đang sinh sống, làm việc tại châu Âu hướng về xây dựng quê hương, đất nước bằng những đóng góp của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ; các hoạt động thương mại, dự án đầu tư, các hoạt động từ thiện do MTTQ Việt Nam phát động...
Ông HOÀNG ĐÌNH THẮNG, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tôi rất mong muốn và tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X chọn lựa các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải thực sự có tâm huyết, có tiềm lực và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia sở tại để thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc vận động các giai tầng của cộng đồng đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng tốt quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống, để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục; tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài cống hiến tốt hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
---------------------------------------------------
Đồng chí PHẠM THỊ LAN, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai:
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững
Tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, với dân số hơn 1,56 triệu người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46,23%. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn nhiều khó khăn, đến cuối năm 2023, tỉnh có 31.502 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,11%), trong đó số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 28.173 hộ (chiếm tỷ lệ 89,43% trong tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh). Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động và triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và các phong tục, tập quán tốt đẹp; giữ vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư; đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
Đồng chí PHẠM THỊ LAN, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện cuộc vận động trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp đồng bộ giữa MTTQ với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quyết định đến chất lượng và hiệu quả của cuộc vận động; công tác tuyên truyền, vận động là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động nhằm tác động đến ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong tham gia thực hiện; vận dụng tốt các phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc”, “lấy hộ thoát nghèo hướng dẫn cho hộ nghèo” và xây dựng thành công những mô hình kinh tế mẫu để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
VIỆT HÀ, ANH MINH (thực hiện)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/y-kien-tam-huyet-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-mat-tran-to-quoc-viet-nam-lan-thu-x-799371