Toàn tỉnh hiện có 7 bệnh viện, 19 phòng khám đa khoa, 600 phòng khám chuyên khoa/y học cổ truyền/cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập. Trong ảnh: Một phòng khám chuyên khoa răng trên địa bàn huyện Phú Bình.
Nỗ lực đồng hành
Theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: Trong những năm qua, hệ thống y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm; cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, ngành Y tế nói riêng luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở y, dược tư nhân ngày càng mở rộng, phát triển. Nội dung này phần nào được thể hiện qua việc UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở này, Sở Y tế Thái Nguyên đã thực hiện việc hướng dẫn, thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y, dược tư nhân một cách rõ ràng, đầy đủ và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã rà soát, đề xuất cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian, nhằm tạo điều kiện trong việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y, dược tư nhân.
Tính đến tháng 11-2024, trên địa bàn tỉnh có 625 cơ sở y tế ngoài công lập (gồm 7 bệnh viện, 19 phòng khám đa khoa, 600 phòng khám chuyên khoa/y học cổ truyền/cơ sở dịch vụ y tế). Cùng với đó có trên 1.511 cơ sở kinh doanh thuốc (17 công ty, 595 nhà thuốc, 826 quầy thuốc, 73 tủ thuốc trạm y tế).
So với năm 2020, hiện số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tăng 72 cơ sở; dược tăng 225 cơ sở. Số lượng khám, chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế tư nhân trong năm 2024 đạt gần 640 nghìn lượt, chiếm 1/3 tổng số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tăng trên 141 nghìn lượt (tương ứng tăng 18%) so với năm 2020.
Vì mục tiêu chung
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Phòng khám đa khoa GreenLight Điềm Thụy, xã Điềm Thụy (Phú Bình), chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành Y tế, từ việc cấp giấy phép đi vào hoạt động, đến việc thực hiện khám chữa bệnh đa khoa, khám quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, khám sức khỏe, khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế...
Đồng thời, Sở cũng triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng khám như: Hướng dẫn xây dựng quy trình chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và đặc thù tại cơ sở; phổ biến tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cho đến quản lý sức khỏe người dân… - ông Nguyễn Văn Nghĩa
Trong số 52 cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn có 33 cơ sở tiêm chủng tư nhân, góp phần quan trọng giúp người dân phòng nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Để giúp các cơ sở y tế tư nhân ngày càng hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả, hàng năm, Sở Y tế đều ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân hoạt động đúng quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập.
Riêng năm 2024, Sở đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn, với trên 1.500 người tham gia. Cùng với đó, tiến hành các cuộc kiểm tra, hậu kiểm hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân nhằm tạo sự công bằng trong hoạt động của các cơ sở và đảm bảo việc thực hiện khám, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 27/9/2024 về tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trong tình hình mới. Nội dung Chỉ thị đã nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương trong việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích phối hợp công - tư
Nói về định hướng phát triển y tế tư nhân của tỉnh nói chung, ngành Y tế nói riêng trong thời gian tới, ông Đỗ Trọng Vũ chia sẻ thêm: Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp đồng bộ từ chính quyền địa phương đến các cấp ngành để cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế nói chung, các cơ sở y tế tư nhân nói riêng.
Bệnh viện Mắt Thái Hà, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) khám mắt miễn phí cho người dân phường Trung Thành hồi cuối tháng 11-2024.
Phát triển hệ thống y tế tỉnh Thái Nguyên hiện đại, bền vững, kết hợp hài hòa giữa y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập; giữa phòng bệnh với khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển hạ tầng y tế chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân chất lượng cao.
Cùng với đó, khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão; đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phối hợp công - tư trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt từ 15% trở lên trong tổng số giường bệnh trên địa bàn tỉnh.
Hạ Liên