Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, từ ngày 1-7-2025, tỉnh Tuyên Quang mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Trong bối cảnh này, công tác y tế, đặc biệt là hoạt động của các trạm y tế xã, phường vẫn đảm bảo được vai trò tuyến đầu, gần dân và hiệu quả trong phòng dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đảm bảo y tế luôn gần dân
Theo Đề án thành lập Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất Sở Y tế 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, trước mắt vẫn duy trì hoạt động bình thường khi sáp nhập, không có sự xáo trộn về tổ chức, để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Các trạm tiếp tục trực thuộc các trung tâm y tế khu vực liên xã, phường và các trung tâm này trực thuộc Sở Y tế, đảm bảo sự chỉ đạo chuyên môn, thống nhất từ tỉnh đến tuyến xã.
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Duy Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Cú thăm khám cho người bệnh.
Xã Lũng Cú (được sáp nhập từ 3 xã Lũng Cú, Má Lé và Lũng Táo), hiện có gần 4.000 hộ dân, với trên 15.000 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 70% dân số. Hiện nay, 3 trạm y tế của 3 xã cũ vẫn duy trì hoạt động theo mô hình và vị trí cũ. Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Duy Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Cú chia sẻ: “Chủ trương sáp nhập tỉnh, xã được người dân đồng thuận cao. Tôi cho rằng, việc duy trì hoạt động các trạm y tế hiện nay là phù hợp, tránh gây xáo trộn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn”.
Chị Long Thị Hương, thôn Quảng Hà, xã Quảng Nguyên cho biết: “Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng phải được nâng cao. Tôi mong muốn, các trạm y tế hiện nay không những được duy trì như trước, mà cần được bổ sung bác sĩ để với những bệnh không quá phức tạp, người dân có thể yên tâm, tin tưởng đến khám, lấy thuốc, không nhất thiết phải đến bệnh viện. Vì thế, chúng tôi rất mong trạm y tế các xã tiếp tục được duy trì lâu dài và ngày càng khang trang, tiện nghi hơn”.
Không chỉ tại các xã vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả người dân xã, phường trung tâm có điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi hơn cũng bày tỏ sự phấn khởi khi biết thông tin trạm y tế địa phương trước mắt vẫn được duy trì hoạt động như trước đây. Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Yên Sơn chia sẻ: “Tôi mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường nên hằng tháng phải đến trạm y tế lấy thuốc uống. Nhà tôi cách trạm y tế 200m, việc duy trì hoạt động các trạm y tế giúp tôi không phải di chuyển xa hơn, rất thuận tiện cho việc khám và lấy thuốc định kỳ”.
Vì mục tiêu phục vụ người dân
Việc duy trì và củng cố các trạm y tế sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường là một chủ trương quan trọng của Bộ Y tế và các địa phương, nhằm đảm bảo mục tiêu phục vụ người dân một cách tốt nhất. Toàn tỉnh hiện có 104 trạm y tế xã, phường và 22 phòng khám đa khoa khu vực. Hiện tại, còn 20% số xã trên địa bàn tỉnh chưa có bác sĩ. Chính vì thế, để giải bài toán thiếu bác sĩ tại trạm y tế xã, trung tâm y tế nhiều địa phương những năm qua đã phải điều động bác sĩ từ trung tâm hoặc từ trạm y tế khác đến hỗ trợ mỗi tuần 2 ngày, để đảm bảo việc khám sức khỏe và cấp thuốc đối với một số bệnh theo quy định cho người dân. Việc sáp nhập các xã hiện nay cũng sẽ giải quyết được một phần khó khăn trong việc thiếu bác sĩ tại trạm y tế xã.
Ngành Y tế xác định, việc duy trì ổn định hoạt động của các trạm y tế không chỉ giúp người dân yên tâm mà còn góp phần giữ vững hệ thống y tế cơ sở - tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Song song với đó, ngành Y tế sẽ rà soát thực trạng từng địa phương để tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là đối với các địa bàn khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất là mọi người dân, dù ở vùng thuận lợi hay vùng sâu, vùng xa, đều được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, kịp thời, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự thay đổi hành chính nào”.
Bài, ảnh: Minh Hoa