Mỗi năm, toàn tỉnh có trên 60.000 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Trạm Tấu tham gia Hội thi thêu thổ cẩm do nhà trường tổ chức.
Thực tế, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa bàn vùng khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường giao thương, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững.
Nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn để phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, đồng bộ nhằm tăng cường mở rộng kết nối liên kết vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước luôn được các địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, sinh kế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được mở rộng; đời sống người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo các địa phương được nâng cao về mọi mặt, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một điều dễ nhận thấy, đó là công tác giảm nghèo những năm qua thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, hiệu quả. Chỉ riêng giai đoạn 2022 - 2024, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 về việc tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững hàng năm.
Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành 12 văn bản, trong đó có 8 văn bản quy phạm pháp luật; UBND tỉnh ban hành 38 văn bản để triển khai thực hiện Chương trình. Bởi thế đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người nhân trên địa bàn tỉnh cùng tham gia thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, từng bước rút ngắn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, giữa các dân tộc trong tỉnh.
Đối với huyện vùng cao Trạm Tấu, triển khai Chương trình, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch để điều hành thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024; trong đó, tiếp tục triển khai đầu tư có hiệu quả xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững; đầu tư các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển nghề, việc làm bền vững; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo..., mục tiêu giảm 7,5% hộ nghèo so với năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm xuống còn 48%.
Theo lãnh đạo huyện Trạm Tấu, cách làm của địa phương là giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng xã, thị trấn, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ để những hộ nghèo thoát nghèo bền vững như vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, máy nông cụ, vật liệu xây dựng, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân…, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo của huyện và hạn chế tái nghèo.
Huyện Mù Cang Chải năm 2024 được giao trên 240 tỷ đồng cho các CTMTQG; trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững. Huyện dự ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 10,03%, vượt 2,17% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND của UBND tỉnh (chỉ tiêu giao 7,86%); tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 28,42%, tương đương 3.868 hộ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sùng A Chua cho biết: "Với việc triển khai đồng bộ các dự án và tiểu dự án về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như về y tế, giáo dục, thông tin, cải thiện điều kiện sống… đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; nhận thức, năng lực, trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo được nâng lên, tạo được sức lan tỏa, khích lệ người nghèo trên địa bàn huyện thêm quyết tâm vươn lên. Cùng đó, nội lực được khai thác, sức dân được huy động tối đa cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. "Năm 2025, huyện phấn đấu giảm 5,2% hộ nghèo để đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 23,2%, vượt 2,93% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND của UBND tỉnh giao. Huyện Mù Cang Chải đang trong lộ trình thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo”.
Một mô hình chăn nuôi lợn tại huyện Mù Cang Chải cho hiệu quả kinh tế cao
Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã huy động được 59 tỷ 618 triệu đồng từ các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp để hỗ trợ thực hiện các dự án thuộc Chương trình, trong đó tập trung chủ yếu hỗ trợ các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (trên 48 tỷ 468 triệu đồng) và hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo.
Chỉ riêng Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo với tổng vốn đầu tư đã phân bổ trên 367 tỷ đồng từ 2 nguồn. Trong đó, nguồn vốn đầu tư thực hiện tại 2 địa phương này đã đầu tư xây dựng 78 công trình gồm 8 công trình giao thông, 50 công trình thủy lợi, 10 công trình phục vụ nước sinh hoạt, 5 công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao, 5 công trình giáo dục; vốn sự nghiệp thực hiện duy tu sửa chữa nâng cấp 82 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải…
Tích cực huy động các nguồn lực, trên cơ sở lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 4,13%/năm (năm 2022 giảm 5,15%, năm 2023 giảm 3,76%, năm 2024 giảm 3,48%), đạt 125%, vượt mục tiêu đã đề ra theo Chương trình.
Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện nghèo (Trạm Tấu giảm 6,89%/năm, Mù Cang Chải giảm 9,46%/năm), đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Chương trình đề ra (mục tiêu: huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm trên 6,5%/năm). Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 5,68%, tương đương 12.575 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99%, tương đương 6.612 hộ cận nghèo. Năm 2024, toàn tỉnh có 28/59 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 93,3% so với mục tiêu của Nghị quyết…
Đến nay, kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình gồm: mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, mức giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn… đều đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Dự kiến kết thúc giai đoạn 2022 - 2025, 100% mục tiêu CTMTQG giảm nghèo bền vững được tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBND khả năng cao sẽ đạt được.
Giảm nghèo bền vững cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, với trọng tâm là tạo điều kiện, cơ hội để người dân tự vươn lên và duy trì mức sống ổn định lâu dài. Tập trung đẩy mạnh thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Yên Bái sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản trước mắt, đồng thời định hướng phát triển lâu dài, mục tiêu là giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống người dân, dần thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội với các khu vực phát triển hơn, trên quan điểm nhất quán, đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Giai đoạn 2022 - 2024, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp thực hiện CTMTQG trên địa bàn tỉnh là 790 tỷ 227 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là trên 411 tỷ đồng, chiếm 52% và vốn sự nghiệp. Ngân sách địa phương bố trí thực hiện Chương trình trong giai đoạn này là 54 tỷ 436 triệu đồng và vốn ngân sách huyện là trên 6,5 tỷ đồng.
Minh Thúy