Yên Bái đồng thuận sắp xếp đơn vị hành chính

Yên Bái đồng thuận sắp xếp đơn vị hành chính
8 giờ trướcBài gốc
Nhân dân thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương tinh, gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, tỉnh Yên Bái đã chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm chính trị lớn và sự chuẩn bị bài bản, khoa học. Với phương châm lấy sự đồng thuận của nhân dân làm nền tảng, lấy hiệu quả phục vụ người dân làm mục tiêu, Yên Bái đang từng bước triển khai chủ trương lớn này một cách chắc chắn, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Huyện Trạm Tấu - nơi địa bàn vùng cao, dân cư thưa thớt đã cơ bản hoàn tất các thủ tục, quy trình sáp nhập cấp xã, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện theo đúng yêu cầu, kế hoạch của tỉnh.
Ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Chúng tôi đã xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, phải để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đây không chỉ là sáp nhập cơ học mà là cơ hội để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Bởi vậy, thông qua các cuộc họp, lấy ý kiến cử tri và nhân dân, đa phần đều nhận được sự đồng tình, nhất trí cao".
Tương tự, tại các huyện, thị xã, thành phố, việc thực hiện đề án sáp nhập cấp xã đều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tính toán kỹ lưỡng các yếu tố về vị trí địa lý, thành phần dân tộc, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc...
Ông Hoàng Viễn - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn chia sẻ: "Chúng tôi cân nhắc kỹ từng yếu tố địa lý, dân cư, lịch sử, văn hóa, mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển và cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân. Căn cứ Đề án sáp nhập của tỉnh, huyện đã tiến hành các cuộc họp, lấy ý kiến nhân dân đại diện hộ gia đình, kết quả biểu quyết của HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn huyện, kết quả 99,4% so với tổng số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý và 100% đại biểu HĐND đồng ý với Đề án”.
Ngay sau khi Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chỉ đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan rà soát, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn.
Qua rà soát, một số xã có diện tích nhỏ, dân số ít; nhiều huyện vùng cao có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trong khi bộ máy hành chính còn cồng kềnh, trung gian, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực tiễn đó, tỉnh Yên Bái đã xây dựng phương án sắp xếp tổng thể. Các phương án sắp xếp đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa hình, phân bố dân cư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa từng vùng, miền trong tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và tác động sâu rộng của chủ trương này, Yên Bái đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận từ cơ sở. Hàng trăm hội nghị, buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được tổ chức ở khắp các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn.
Các tài liệu tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát nhu cầu thông tin thực tế, giúp nhân dân nắm rõ mục tiêu, ý nghĩa và lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện theo đúng tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng” đồng thời công việc vẫn phải tiến hành đảm bảo, không để gián đoạn bất cứ công việc gì ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, kiến nghị của nhân dân.
Trên tinh thần đó, Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, trong đó chú trọng đến các điều kiện như: sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã ở những nơi dân số ít, quy mô nhỏ, điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng; sáp nhập, điều chỉnh địa giới cấp xã ở những nơi điều kiện địa lý thuận lợi, văn hóa, dân tộc tương đồng; giữ vững quốc phòng, an ninh; ổn định tình hình chính trị - xã hội; tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tinh thần đồng thuận thể hiện rõ qua các cuộc lấy ý kiến cử tri với trên 99% số cử tri đồng tình.
Những con số biết nói ấy là minh chứng thuyết phục cho sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cho niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh chủ động xây dựng các phương án bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức và nhân dân trong quá trình sắp xếp.
Theo đó, Yên Bái sẽ bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mô hình tổ chức mới. Đặc biệt, tỉnh cam kết bảo đảm mọi chế độ, chính sách cho nhân dân được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn, không để xảy ra khoảng trống quản lý.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh nhấn mạnh: "Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách mà quan trọng hơn là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Khi bộ máy được tổ chức hợp lý, nguồn lực tập trung tốt hơn, sự chỉ đạo, điều hành thông suốt hơn, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Theo kế hoạch, Yên Bái sẽ hoàn thiện Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính trình Bộ Nội vụ và Chính phủ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2025. Tỉnh xác định rõ quá trình triển khai phải được tiến hành bài bản, đồng bộ với phương châm "Chủ động - Chắc chắn - Ổn định - Hiệu quả", tuyệt đối không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, không để người dân bức xúc, mất niềm tin.
Tại Hội nghị lần thứ 30 (mở rộng) ngày 22 - 23/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, sau khi xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất sắp xếp 168 đơn vị hành chính cấp xã gồm 146 xã, 12 phường, 10 thị trấn thành 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 44 xã, 7 phường.
Đồng thời, đã thống nhất hợp nhất tỉnh Yên Bái và Lào Cai thành tỉnh mới với tên gọi Lào Cai. Tỉnh Lào Cai mới có diện tích tự nhiên gần 13.257 km2, quy mô dân số gần 1,78 triệu người. Tỉnh mới sẽ có 99 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 89 xã, 10 phường; trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay. Các tiêu chí được áp dụng trong việc sắp xếp bao gồm diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của Bộ Chính trị, Đảng ủy Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái.
Theo phương án được duyệt, đối với các xã, diện tích tự nhiên tối thiểu phải đạt 150 km2, quy mô dân số từ 15.000 người trở lên. Đối với các xã miền núi, vùng cao có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, quy mô dân số tối thiểu là 7.500 người. Các phường phải có diện tích tự nhiên tối thiểu 35 km2 và quy mô dân số từ 35.000 người trở lên. Việc sắp xếp được tính toán trên cơ sở hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của từng địa phương cũng như điều kiện địa lý, kinh tế, hạ tầng giao thông và an ninh, quốc phòng.
Thành công trong thực hiện Kết luận số 127-KL/TW không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Yên Bái mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên phạm vi cả nước, giúp tỉnh khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Sau sắp xếp, tỉnh Yên Bái sẽ giảm 117 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 102 xã, 5 phường, 10 thị trấn; tỷ lệ giảm đạt 69,64%. Có 6 xã không thực hiện sắp xếp là: Chế Tạo, Nậm Có, Lao Chải của huyện Mù Cang Chải; Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu; Cát Thịnh, huyện Văn Chấn; Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Theo đó, huyện Mù Cang Chải sắp xếp thành 7 xã; huyện Trạm Tấu sắp xếp thành 4 xã; thị xã Nghĩa Lộ sắp xếp thành 3 phường, 1 xã; huyện Văn Chấn sắp xếp thành 7 xã; huyện Văn Yên sắp xếp thành 9 xã; huyện Lục Yên sắp xếp thành 6 xã; huyện Yên Bình sắp xếp thành 5 xã; thành phố Yên Bái sắp xếp thành 4 phường; huyện Trấn Yên sắp xếp thành 5 xã.
Thanh Tân
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/239/349991/yen-bai-dong-thuan-sap-xep-don-vi-hanh-chinh.aspx