Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
"Ngành yến Việt Nam được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn," đây là nhận định của Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng tại Hội nghị triển khai Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, sáng 8/5.
Hiện Việt Nam có 29.320 nhà nuôi chim yến trải dài trên 40 tỉnh, thành phố, giá trị kinh tế có thể đạt 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm, trở thành một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng tổ yến đạt 350 - 400 tấn/năm.
Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký Nghị định thư năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục đàm phán để xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc.
Kết quả Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15/4/2025 (thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022), bao gồm xuất khẩu tổ yến sạch và tổ yến thô.
“Nghị định thư lần này đã có sự điều chỉnh và bổ sung quan trọng. Theo đó, bên cạnh các sản phẩm tổ yến đã qua chế biến, Nghị định thư mới bổ sung sản phẩm tổ yến thô vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là bước tiến đáng kể, giúp đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hộ nuôi yến tại Việt Nam.
Đồng thời, Nghị định thư mới cũng cập nhật các quy định và yêu cầu nhằm đảm bảo sự phù hợp với thực tế thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu,” Cục trưởng Dương Tất Thắng chia sẻ tại sự kiện.
Một số thay đổi trong Nghị định thư năm 2025 bao gồm: tiêu chuẩn sản phẩm quy định nhôm dưới 100mg/kg khô; có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo lô hàng; năng lực, thiết bị, quy mô phải phù hợp....
Mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành yến
Trao đổi với nhóm phóng viên, Giám đốc CTCP Dinh dưỡng Avanest Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Trung Quốc cấp phép kể từ khi Nghị định thư ký năm 2022 có hiệu lực, Avanest đã có hai năm kinh nghiệm để có thể đáp ứng được những thay đổi mới từ thị trường. Bà Hà dự đoán, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp có thể tăng lên khoảng 20 - 30% nhờ bổ sung thêm lượng yến thô.
Nhận định về cơ hội cho ngành yến Việt Nam, Cục trưởng Dương Tất Thắng cho rằng, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vừa được ký kết không chỉ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu tổ yến Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu cao và ổn định. Việc mở cửa thị trường này giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng doanh thu.
Khi tổ yến Việt Nam có mặt hợp pháp trên thị trường Trung Quốc, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, giúp tăng độ nhận diện và khẳng định chất lượng yến sào Việt Nam, điều này góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, nhu cầu lớn từ Trung Quốc sẽ kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi yến trong nước. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với khoảng 300 tấn mỗi năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu.
Việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch. Điều này sẽ thúc đẩy ngành tổ yến Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Khi có mặt tại Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử lớn. Đây cũng là bước đệm để mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực.
“Việc ký kết nghị định thư mới là một bước tiến quan trọng, giúp ngành yến Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược quảng bá để tạo dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc,” Cục trưởng Dương Tất Thắng nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Dương Tất Thắng, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vừa được ký kết không chỉ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu tổ yến Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Mặc dù có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng các doanh nghiệp yến của Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức tại thị trường tỷ dân, đặc biệt khi Việt Nam là thị trường "đến sau".
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, tổ yến Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc sau tổ yến của Malaysia và Indonesia hơn 10 năm, vì vậy người tiêu dùng Trung Quốc chưa biết nhiều đến thương hiệu tổ yến của Việt Nam. Công nghệ, kỹ thuật sản xuất tổ yến của Việt Nam chưa cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn, mẫu mã lại kém hấp dẫn do vậy khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
Việt Nam xuất khẩu lô tổ yến chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Hơn 4 tấn yến được xuất khẩu sang Trung Quốc
Sau gần 4 năm kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sạch của Việt Nam sang Trung Quốc được chính thức ký kết năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước giới thiệu sản phẩm tổ yến ”Made in Việt Nam” vào thị trường này và đạt được những kết quả bước đầu.
Cụ thể, 13 doanh nghiệp Việt được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch với tổng cộng hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến, giá trị hơn 4 triệu USD.
Hơn 70 doanh nghiệp tham gia các chương trình giám sát, hoàn thiện nhà máy chế biến để tham gia xuất khẩu; hơn 4.000 nhà yến tham gia vào chương trình giám sát an toàn dịch bệnh và hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm các chỉ tiêu An toàn thực phẩm.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, việc Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến. Với lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, đầm, phá nên Việt Nam có tiềm năng lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến, chế biến sản phẩm tổ yến.
Lê Hồng Nhung