Hội thảo cập nhật văn bản quy định phạm vi chuyên môn của Bác sĩ Y học cổ truyền và Bác sĩ Y khoa và việc triển khai đào tạo dựa trên năng lực đáp ứng Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề Quốc gia từ năm 2027 vừa được Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, ngành Y tế Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế quản lý hành nghề, đào tạo nhân lực và kiểm định chất lượng đầu ra.
Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã chính thức quy định về việc triển khai Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề Quốc gia đối với chức danh bác sĩ từ năm 2027 – một dấu mốc quan trọng cho sự thay đổi toàn diện trong đào tạo và công nhận năng lực hành nghề y.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo – trong đó có Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam – không chỉ cập nhật kịp thời các văn bản pháp lý quy định phạm vi hành nghề của bác sĩ Y khoa và bác sĩ Y học cổ truyền, mà còn phải chuyển hướng đào tạo sang tiếp cận theo năng lực, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện tham dự kỳ thi quốc gia, đủ năng lực hành nghề và đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
TS Phạm Thái Hưng - Khoa Y học lâm sàng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng: Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề quốc gia từ năm 2027 sẽ là một cuộc sàng lọc toàn diện về năng lực chuyên môn, kỹ năng, thái độ của sinh viên y khoa sau tốt nghiệp...
Trong tham luận tại hội thảo, TS Phạm Thái Hưng - Khoa Y học lâm sàng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng trước yêu cầu mới này, đào tạo bác sĩ y khoa tại Học viện đang đứng trước một thử thách lớn nhưng cũng là một cơ hội để thay đổi theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Theo TS Hưng, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa truyền thống tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nhân lực y tế trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều chương trình hiện nay vẫn còn mang tính hàn lâm, lý thuyết, chưa chú trọng đầy đủ đến năng lực thực hành, tư duy lâm sàng, kỹ năng giao tiếp, ra quyết định và đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi đó, yêu cầu của ngành y tế hiện đại không chỉ là “có kiến thức” mà là “có khả năng hành nghề an toàn, độc lập và hiệu quả”.
"Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề quốc gia từ năm 2027 sẽ là một cuộc sàng lọc toàn diện về năng lực chuyên môn, kỹ năng, thái độ của sinh viên y khoa sau tốt nghiệp.
Đây là cú huých mạnh mẽ đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải thiết kế lại chương trình học theo hướng năng lực đầu ra, bảo đảm sinh viên không chỉ vượt qua kỳ thi mà còn đáp ứng đầy đủ các năng lực cần thiết để hành nghề an toàn, hiệu quả trong môi trường thực tế đầy thách thức"- TS Hưng nói.
Cho rằng trên thực tế, chương trình đào tạo y khoa ở Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng lý thuyết, thiếu lồng ghép sớm kỹ năng thực hành và chưa đồng bộ trong việc đánh giá năng lực toàn diện của người học, TS Hưng nhấn mạnh: Điều này dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của hệ thống y tế, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, nơi người bác sĩ cần phải giải quyết các tình huống lâm sàng độc lập và toàn diện.
Do đó, theo TS Hưng chương trình đào tạo cần chuyển mạnh mẽ từ mô hình đào tạo truyền thống sang mô hình đào tạo dựa trên năng lực, nhằm đảm bảo người học sau tốt nghiệp có đủ năng lực hành nghề độc lập, an toàn và hiệu quả trong thực tiễn.
Thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra hướng tới kỳ thi quốc gia phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan và nhất quán trong việc đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp; Khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập – đánh giá, tăng cường thực hành lâm sàng sớm, rèn luyện y đức và kỹ năng mềm;
Tăng tính linh hoạt và thích ứng của chương trình đào tạo, phù hợp với bối cảnh dịch tễ, công nghệ và yêu cầu chăm sóc sức khỏe hiện đại; Đồng thời chuẩn hóa năng lực hành nghề của bác sĩ y khoa trên phạm vi toàn quốc, tạo niềm tin cho người dân và xã hội về chất lượng nguồn nhân lực.
"Vì vậy, việc thiết kế chương trình đào tạo bác sĩ y khoa của HV được triển khai theo hướng tích hợp – lấy người bệnh làm trung tâm – và dựa trên chuẩn năng lực đầu ra là bước đi chiến lược, không chỉ đáp ứng yêu cầu của kỳ thi quốc gia từ năm 2027 mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo"- TS Hưng nói.
Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo.
Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong Kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ năm 2025 của Học viện, nhằm: Cập nhật những chính sách mới nhất của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế trong lĩnh vực đào tạo và hành nghề y; Chia sẻ thông tin về nội dung, lộ trình tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề Quốc gia từ năm 2027;
Thảo luận phương án thiết kế lại chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Và đặc biệt là cụ thể hóa phạm vi hành nghề giữa hai lĩnh vực: Y học cổ truyền và Y học hiện đại – một vấn đề mang tính định hướng chiến lược đối với Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Bài và ảnh Thái Bình