Một tiết học Vật lý bằng tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: NTCC.
Cần thiết có chương trình nâng cao các môn chuyên
Dự thảo Thông tư gồm chương trình giáo dục của 15 môn học được giảng dạy tại trường THPT chuyên được xây dựng theo nguyên tắc nâng cao từ chương trình môn học tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không bao gồm các nội dung mở rộng ngoài đơn vị nội dung kiến thức môn học, tiếp cận quốc tế, đổi mới liên tục theo xu hướng tiếp cận của thế giới. Nội dung môn học chứa đựng những chuyên đề tiếp cận nội dung quốc gia và quốc tế quan tâm, đáp ứng yêu cầu đào tạo mũi nhọn, lựa chọn nhân tài, đáp ứng cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Thời lượng cụ thể đối với các môn Ngữ văn và Toán và các môn ngoại ngữ (Tiếng Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) là 70 tiết/năm học và các môn còn lại là 52 tiết/năm học. Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên có nội dung bắt buộc và nội dung lựa chọn bắt buộc chiếm tỷ lệ khoảng 20% thời lượng chương trình giáo dục nâng cao. Dự thảo nhấn mạnh sẽ tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm đối với môn khoa học tự nhiên tại từng chủ đề, đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin và định hướng học sinh chuyên trong khai thác và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Đối với giáo viên, chương trình nâng cao có định hướng học thuật và chuyên sâu, do đó yêu cầu đội ng v Đối với học sinh năng khiếu, chương trình tạo môi trường học thuật nâng cao, phát triển khả năng tư duy logic, sáng tạo, phản biện, phát triển năng lực tự học, nghiên cứu, trình bày học thuật; đảm bảo năng lực tham gia thi học sinh giỏi các cấp, kỳ thi quốc tế, nghiên cứu khoa học kỹ thuật học sinh trung học. Chương trình giúp học sinh xác định lộ trình nghề nghiệp sớm và rõ ràng thông qua: kiến thức mở rộng về ngành, lĩnh vực liên quan đến môn học; học tập định hướng nghề nghiệp chuyên biệt.
Bộ GDĐT cho rằng, thông tư nếu được ban hành sẽ tạo nền tảng đào tạo sớm cho những nhân lực tiềm năng cho các lĩnh vực then chốt như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xã hội, kinh tế - tài chính, ngoại giao, giáo dục tinh hoa. Việc ban hành chương trình nâng cao là nền tảng để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ và định hướng chiến lược dài hạn cho giáo dục mũi nhọn. Nếu được thông qua, chương trình bắt đầu áp dụng với lớp 10 ngay trong năm học tới, sau đó lần lượt tới lớp 11 và 12 trong các năm sau, thống nhất trong cả nước.
Trước đó, đối với các chương trình nâng cao các môn chuyên, từ năm 2009 Bộ GDĐT đã có Công văn 10803/ BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học chuyên sâu các môn chuyên trong trường chuyên. Tuy nhiên, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, đối với môn chuyên, các trường chủ yếu dựa vào các chuyên đề bồi dưỡng mà Bộ GDĐT tổ chức, hoặc nội dung và yêu cầu cần đạt của các đề thi học sinh giỏi quốc gia để tự xây dựng khung chương trình bồi dưỡng cho học sinh. Việc có một chương trình nâng cao các môn chuyên ở trường THPT chuyên do Bộ GDĐT ban hành được các chuyên gia, nhà trường ủng hộ bởi đây sẽ là cơ sở quan trọng để các trường triển khai việc dạy và học môn chuyên một cách hiệu quả và đảm bảo tính thống nhất với chương trình chính thức được quy định chung cho tất cả các trường THPT chuyên. Thực tế do phương thức tuyển sinh chọn lọc đầu vào khắt khe nên hầu hết tại các địa phương, học sinh trúng tuyển vào trường THPT chuyên đều là những học sinh có thành tích nổi bật, năng lực tốt đối với môn học chuyên nói riêng và các môn học khác nói chung. Đây là lợi thế lớn của các trường THPT nên không chỉ đối với các kỳ thi mang tính phổ thông trên toàn quốc như kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm học sinh các trường THPT chuyên luôn nằm trong top các trường có điểm thi tốt nghiệp cao so với các trường trên địa bàn cũng như trên toàn quốc mà tỉ lệ thí sinh đỗ các trường ĐH top đầu đến từ các trường THPT chuyên cũng cao vượt trội. Đây cũng là những nhân tố tiềm năng cho các đội tuyển Olympic của Việt Nam.
Chú trọng phát triển toàn diện
Năm 2025, cả nước có hơn 80 trường THPT chuyên trực thuộc 34 tỉnh, thành phố và các trường THPT, năng khiếu trực thuộc đại học. Hệ thống trường THPT chuyên ở Việt Nam đã ra đời cách đây hơn 60 năm với mục tiêu tập trung vào việc ươm mầm và phát triển tài năng đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản cần tiếp tục đổi mới trong dạy và học nói chung và trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, có năng khiếu đặc biệt trong các môn học nói riêng để tiếp tục đóng góp trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.
Một khảo sát được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đối với 34.000 học sinh THPT chuyên trên cả nước cho thấy chương trình của trường chuyên hiện nay tập trung chính vào việc nâng cao kiến thức môn chuyên, với 40% học sinh cho rằng, chương trình trường chuyên “phần lớn đáp ứng được” việc “mở rộng hiểu biết chung về môn chuyên” của các em. Học sinh chuyên nhận được đầu tư nhiều hơn các trường THPT công khác về nhân lực cũng như thiết bị dạy học. Tuy nhiên, ngay cả với các mong muốn về chương trình học, đa số những mong muốn như tìm hiểu sâu về lĩnh vực hẹp thuộc môn chuyên, tiếp cận với cơ hội học tập đa dạng hay tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu mới chỉ đáp ứng được một phần. Điều đó cho thấy, chương trình chuyên còn đặt nặng vào việc học kiến thức môn chuyên cho các kì thi mà thiếu bồi dưỡng các kĩ năng xung quanh môn chuyên qua nhiều hoạt động học tập và định hướng ngành nghề liên quan đến môn chuyên với các chuyên gia trong ngành.
Nghiên cứu cũng chỉ ra việc bồi dưỡng kĩ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh chuyên hiện chưa được quan tâm nhiều. Các hoạt động học tập chủ yếu của học sinh tại trường chuyên vẫn xoay quanh việc nâng cao kiến thức ở môn chuyên dưới sự hướng dẫn của giáo viên thay vì các hoạt động nâng cao kĩ năng tự học và ứng dụng để đưa ra một giải pháp cho các vấn đề thực tế trong phạm vi môn chuyên của mình.
Bên cạnh đó, áp lực từ hàm lượng học thuật quá sâu và nặng của chương trình, việc đào tạo đang tập trung nhiều vào các kì thi dẫn đến cả giáo viên, học sinh phải dành nhiều thời gian cho hoạt động ôn luyện, học chuyên sâu, học thêm các lớp chuyên ngoài giờ, bớt đi không gian và thời gian để giáo dục, rèn luyện, phát triển các kĩ năng khác cho học sinh… Do đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị nên dành nhiều thời lượng cho phép học sinh tham gia trải nghiệm các môn “không chuyên” như thể thao, hội họa, âm nhạc...
Bên cạnh đó, cách thức đào tạo trong trường chuyên cần điều chỉnh theo hướng hình thành và phát triển ở học sinh THPT chuyên những kĩ năng nghiên cứu khoa học như những nhà khoa học tương lai. Dành nhiều thời lượng tự học, tự tìm tòi những cách tiếp cận sáng tạo phù hợp với tiềm năng của từng người học giúp các em phát huy được tối đa thế mạnh của bản thân và có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc cụ thể hóa trong thực hiện thực hiện chương trình nâng cao môn chuyên trong các trường THPT chuyên là cần thiết và phải làm ngay. Lý do là vì Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực so với Chương trình 2006, tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thay vì chỉ chú trọng vào kiến thức như trước đây. Chính vì vậy, việc dạy học môn chuyên cũng cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu đào tạo mũi nhọn, lựa chọn nhân tài, đáp ứng các cuộc thi học sinh giỏi trong và ngoài nước.
Ông nhấn mạnh, không chỉ có thời lượng tăng thêm về số tiết theo quy định để thực hiện chương trình nâng cao, cần quy định chi tiết về tài liệu, kế hoạch dạy học và đặc biệt là quy định về đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn chuyên cần đạt các yêu cầu cụ thể như kết hợp giảng dạy theo phương pháp giáo dục tích cực, tiên tiến, chú trọng phát triển năng lực học sinh thông qua các dự án học tập, nghiên cứu khoa học…
Thu Hương