Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đã được quy định khá đầy đủ. Cụ thể, mức phạt lên tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, cùng với các hình thức xử phạt khác như buộc tiêu hủy thực phẩm, rút giấy phép kinh doanh, hay chi trả chi phí khắc phục hậu quả. Đối với các hành vi nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, những vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp cho thấy bên cạnh việc một số tổ chức, cá nhân vì ham lợi vẫn bất chấp vi phạm thì một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu kiểm tra, giám sát, công tác quản lý vẫn còn chồng chéo của các cơ quan chức năng. Gần đây nhất là vụ sản phẩm kẹo rau củ Kera từng được quảng bá rầm rộ bởi Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục và Hoa hậu Thùy Tiên; vụ việc đường dây sản xuất sữa với 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai tại tỉnh Hải Dương; hoặc như vụ việc sản xuất cà phê bột giả... đang khiến dư luận bức xúc khi bị xác định có dấu hiệu hàng giả, lừa dối khách hàng.
Vụ phát hiện gần 600 nhãn hiệu sữa giả mới đây nhất đã làm lộ rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng, khi các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế trách nhiệm trải dài từ Bộ Y tế – nơi cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng thiếu hậu kiểm; đến Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (trước là Bộ TT&TT) – đơn vị giám sát nội dung quảng cáo nhưng để các công dụng bị “thần thánh hóa”; và cả Bộ Công Thương – nơi phụ trách quản lý thị trường nhưng chưa phát huy hiệu quả kiểm tra, giám sát khi sản phẩm đã lưu hành. Tuy nhiên, sự thiếu phối hợp, thiếu văn bản quy phạm rõ ràng giữa các bộ ngành đã tạo ra “vùng xám” trong quản lý – nơi các sản phẩm kém chất lượng vẫn được lưu hành. Một số bộ đẩy trách nhiệm về địa phương, địa phương lại “làm theo hướng dẫn”, còn người dân thì tiếp tục trở thành nạn nhân của những vi phạm an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái đang ngày một tinh vi hơn.
Từ thực tế trên có thể thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các quy định, quy trình quản lý song cấp thiết phải dẹp bỏ cơ chế “một mâm cơm, bốn, năm bộ quản lý”. Không dừng lại ở việc tăng mức xử phạt hành chính, người dân còn mong muốn các quy định pháp luật cần nghiêm khắc hơn nữa đối với những trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, phân định rõ quyền – trách nhiệm và thiết lập lại kỷ cương thị trường tiêu dùng, trước khi những vụ việc như thế này tiếp tục lặp lại với quy mô lớn hơn.
Cùng với đó, bên cạnh việc sớm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, các bộ, ngành liên quan cũng cần xây dựng phần mềm ứng dụng số hóa trong quản lý việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn việc truy xuất nguồn gốc, cũng như trong xử lí sai phạm. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay.
Thế Dương