Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo khẩn thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm sữa giả

Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo khẩn thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm sữa giả
6 giờ trướcBài gốc
Thông tin này được đưa ra sau khi Cục nhận được văn bản số 1095/VPCQCSĐT-P3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đề nghị phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ảnh minh họa
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong số 84 sản phẩm bị thu giữ, có 12 loại sữa bột không đạt chỉ tiêu chất lượng, một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đây là hành vi làm giả chất lượng sản phẩm, trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh, những đối tượng vốn trông cậy vào dinh dưỡng từ sữa để duy trì sự sống và phát triển.
Danh sách các sản phẩm bị xác định là hàng giả bao gồm: COLOS IQ FOR MUM, COLOS IQ DIABETES, DARIFA A+ ProGold, KENMIL PREMIUM PEDIA GOAT, SURE IQ SURE GOLD, Kodo A+ Starter Colostrum 1, L’’ GRAND COLOSTRUM PEDIA+2, Newsure Colos 24h Kid Plus, Kid Baby Talacmum, Gludiabet Talacmum, KASUMI CANXI NANO COLOS 24H, và KASUMI GAIN COLOS 24H 3.
Điều đáng lo ngại hơn là đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ 72 sản phẩm sữa khác của Công ty CP Dược Quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược Dinh dưỡng Hacofood Group. Bộ Công an đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm này cho đến khi có kết luận chính thức.
Bên cạnh hành vi sản xuất sữa giả, một thực trạng nhức nhối khác cũng đang bị phơi bày: nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, từ biên tập viên truyền hình, diễn viên, đến bác sỹ và KOL đã tiếp tay quảng bá cho những sản phẩm này.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhiều lần khẳng định rằng, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, xuất xứ sản phẩm.
Các cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh: Quảng cáo gian dối (Điều 197), sản xuất - buôn bán hàng giả (Điều 192 - 195), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) theo Bộ luật Hình sự 2015.
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: giữa ma trận quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo và thận trọng hơn bao giờ hết.
Một đoạn video “review”, một lời khuyên từ một gương mặt nổi tiếng không thể thay thế các tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Niềm tin sai chỗ không chỉ đánh đổi bằng tiền bạc thậm chí là sức khỏe.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/cuc-an-toan-thuc-pham-chi-dao-khan-thu-hoi-toan-bo-12-san-pham-sua-gia-d272909.html