Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn số 1037/PTTH&TTĐT gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương, yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc sản xuất, buôn bán, quảng cáo thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, gây dư luận bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
BTV Quang Minh và MC Vân Hugo bị phạt hành chính, buộc cải chính thông tin khi quảng cáo sai sự thật.
Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, còn tồn tại một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Những vi phạm phổ biến bao gồm: Nội dung quảng cáo "thổi phồng" công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng rằng đây là thuốc chữa bệnh thay vì thực phẩm chức năng; Thực hiện quảng cáo khi nội dung chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, xác nhận; Cung cấp thông tin sai lệch về chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, xuất xứ của sản phẩm.
Đặc biệt, các đơn vị lợi dụng hình ảnh, uy tín của văn nghệ sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình, người có tầm ảnh hưởng tới công chúng để chuyển tải nội dung quảng cáo không phù hợp, thiếu chính xác tới người tiêu dùng, gây ra sự tin tưởng sai lầm.
Trước thực trạng này, Cục đề nghị các đơn vị hoạt động truyền hình, các báo và đài phát thanh, truyền hình tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quảng cáo nói chung và quảng cáo thuốc, sữa, thực phẩm nói riêng tại Luật Quảng cáo; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược và một số văn bản dưới luật.
Trong đó, cần quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo được thực hiện thông qua người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, đặc biệt là qua các hình thức phổ biến hiện nay như livestream, bài đăng, bài viết chia sẻ trải nghiệm cá nhân về chất lượng, công dụng, hiệu quả của sản phẩm.
Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
Chấm dứt tình trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng không hiểu biết về sản phẩm, không kiểm chứng nội dung quảng cáo vẫn tham gia quảng bá sản phẩm chỉ vì thù lao, lợi nhuận.
Không chỉ dừng lại ở việc siết chặt người nổi tiếng, người có ảnh hưởng bên ngoài, Công văn số 1037 còn đặc biệt yêu cầu VTV, VOV, các báo và đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chấn chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, viên chức, người lao động của đài, đảm bảo tuân thủ đúng của pháp luật về báo chí, quảng cáo.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, rà soát và xử lý nghiêm các các trường hợp sai phạm.
Lê Chi