Yêu cầu hủy kết quả đấu giá vì nhiều vi phạm pháp luật?

Yêu cầu hủy kết quả đấu giá vì nhiều vi phạm pháp luật?
7 giờ trướcBài gốc
Sử dụng chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực
Theo "Biên bản đấu giá tài sản" và "Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” cùng ký ngày 28/02/2022: Bên có tài sản đấu giá là Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang (cũ); Tài sản đấu giá là của Công ty Cổ phần NTACO (địa chỉ: 99 Hùng Vương, Khu công nghiệp Mỹ Quý, P.Mỹ Quý, TP.Long Xuyên - cũ, tỉnh An Giang); Bên trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Nam Việt.
Đại diện cho nguyên đơn, Luật sư Võ Văn Tám (Công ty Luật Tây Sơn G9, Đoàn Luật sư TPHCM) nêu rằng: "Chúng tôi có đầy đủ căn cứ chứng minh việc tổ chức đấu giá và thực hiện hợp đồng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, từ quy trình kê biên, thẩm định giá đến công bố thông tin tài sản. Những vi phạm này khiến quyền lợi của bên trúng đấu giá bị xâm phạm một cách trực tiếp và nghiêm trọng". Theo luật sư Tám, điều đáng lưu ý là tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng, do còn tồn tại công trình xây dựng không phép, tranh chấp tài sản bên thứ ba, cũng như việc sử dụng chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực để làm căn cứ định giá đấu giá. "Giao dịch dân sự không đạt được mục đích, theo Điều 423 và 427 Bộ luật Dân sự 2015, Công ty Nam Việt hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng và hoàn trả lại toàn bộ giá trị đã thanh toán" - Luật sư Tám nêu rõ.
Tài sản gắn liền trên đất của Công ty Cổ phần NTACO
Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Thạc sỹ Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư An Giang) cho rằng: "Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực là một vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, làm sai lệch giá trị tài sản và ảnh hưởng đến quyền lợi người mua hợp pháp. Bên cạnh đó, nếu tài sản chưa được làm rõ về quyền sở hữu hoặc còn tranh chấp mà vẫn đưa ra bán đấu giá là hành vi tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho người mua". Cũng theo Thạc sỹ Phước, Điều 73 Luật Đấu giá tài sản 2016 đã quy định rõ: "Nếu có vi phạm trong quá trình đấu giá thì kết quả đấu giá có thể bị hủy, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và bên có lỗi phải bồi thường".
Ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Việt - bức xúc cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng được sở hữu hợp pháp tài sản sau khi thanh toán đầy đủ tiền đấu giá. Nhưng suốt hơn 3 năm qua, công ty chúng tôi không thể sử dụng nhà máy, không được sang tên tài sản, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Thiệt hại cả về tài chính lẫn cơ hội sản xuất, kinh doanh...". Cũng theo ông Tới, Công ty Nam Việt đã mất nhiều chi phí vay vốn và bảo vệ nhà máy, cơ hội tái đầu tư, đồng thời còn bị ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với các đối tác mua hàng ở nước ngoài, khi các kế hoạch sản xuất bị đình trệ. "Chúng tôi không muốn kiện tụng, nhưng buộc phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước những vi phạm quá rõ ràng từ phía cơ quan thi hành án", ông Tới cho biết thêm.
Trước vụ việc này, Công ty Cổ phần Nam Việt đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp. Cụ thể, bên cạnh việc yêu cầu TAND tỉnh An Giang tuyên hủy kết quả đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá như nêu trên, Công ty Cổ phần Nam Việt cũng gửi kiến nghị đến UBND tỉnh An Giang đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm các vướng mắc pháp lý trong vụ việc, nhằm bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong văn bản gửi UBND tỉnh An Giang, ông Doãn Tới cũng nêu rõ: "Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành... sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát và xử lý các tồn tại liên quan đến tài sản đấu giá. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể đã để xảy ra những dấu hiệu về sai phạm gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi".
Cần giải quyết dứt điểm
Việc giải quyết dứt điểm vụ việc không chỉ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động, hạn chế tổn thất tài chính, mà còn góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào công tác thi hành án và môi trường pháp lý tại địa phương. Trong vụ tranh chấp liên quan đến tài sản trị giá hơn 73 tỷ đồng mà Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) trúng đấu giá, có thể thấy một loạt dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng từ phía các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành án và tổ chức đấu giá tài sản. Những vi phạm này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn cho thấy dấu hiệu của sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và không tuân thủ pháp luật trong hoạt động công vụ.
Trụ sở tài sản đấu giá là Công ty Cổ phần NTACO
Luật sư Võ Văn Tám phân tích: Đầu tiên, việc sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực làm cơ sở xác định giá khởi điểm là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giá và Luật Đấu giá tài sản. Theo quy định, chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát hành. Tuy nhiên, tài sản đấu giá trong vụ việc này lại được tổ chức dựa trên chứng thư đã quá hạn gần một năm (?!). Hành vi này không chỉ làm sai lệch giá trị tài sản mà còn khiến người trúng đấu giá (ở đây là Công ty Nam Việt) rơi vào thế bất lợi, bị thiệt hại nghiêm trọng khi giá trị tài sản không phản ánh đúng giá thị trường. Tiếp đến, tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng nhưng vẫn được đưa ra bán đấu giá là hành vi thể hiện sự thiếu kiểm tra, giám sát và tắc trách của cơ quan thi hành án? Cụ thể, khu đất và tài sản mang ra đấu giá gắn với nhà máy thủy sản vẫn còn tồn tại công trình xây dựng không phép, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp mục đích, và đặc biệt đang có tranh chấp với bên thứ ba. Theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai và Điều 12 Luật Đấu giá tài sản, tài sản đang có tranh chấp không được phép đưa ra đấu giá. Như vậy, ở đây cơ quan Thi hành án đã có dấu hiệu cố tình bỏ qua các điều kiện tiên quyết, đẩy doanh nghiệp vào tình thế bị "mua rủi ro pháp lý”?
Chưa hết, tài sản đấu giá có các bước kê biên, niêm yết, công bố thông tin tài sản thiếu minh bạch và sai quy trình. Cơ quan Thi hành án không thông báo rõ tình trạng pháp lý của tài sản, không minh bạch về việc tài sản đang có tranh chấp, dẫn đến việc Công ty Nam Việt không có đầy đủ thông tin khi quyết định tham gia đấu giá. Đây là hành vi vi phạm quy định tại Điều 39 và 40 Luật Thi hành án dân sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền quyết định và quyền định đoạt tài sản của bên mua; cũng như việc Cơ quan Thi hành án đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên trúng đấu giá. Theo nguyên tắc của Luật Đấu giá tài sản và Bộ luật Dân sự, khi bên mua đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì phải được bảo đảm quyền tiếp cận, sử dụng tài sản một cách hợp pháp. Tuy nhiên, hơn 3 năm sau phiên đấu giá, Công ty Nam Việt vẫn không được sử dụng tài sản, không được sang tên, đồng thời phải gánh chi phí bảo vệ, cơ hội sản xuất bị đình trệ, gây thiệt hại cả về tài chính lẫn uy tín doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng như Cục Thi hành án dân sự, Sở Tài nguyên và Môi trường (cũ), Sở Tư pháp và UBND địa phương. Mỗi đơn vị đều có vai trò trong quá trình xử lý tài sản thi hành án, nhưng lại không kiểm tra "chéo" thông tin hoặc cảnh báo về những rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Sự phối hợp thiếu đồng bộ này không chỉ làm phức tạp vụ việc mà còn gây thiệt hại kéo dài cho bên trúng đấu giá là Công ty Nam Việt. Rất cần một phán quyết bản án sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang (trong thời gian tới) một cách công bằng, minh bạch thấu tình đạt lý.
Việc Công ty Nam Việt yêu cầu hủy kết quả đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể trong quá trình đấu giá, khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả đầy đủ giá trị tài chính cho Công ty Nam Việt. Qua vụ việc này, cần ban hành quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn trong tổ chức đấu giá tài sản thi hành án để tránh tái diễn, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, tạo dựng môi trường pháp lý minh bạch, công bằng.
QUỐC PHONG - DUY LUÂN
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/yeu-cau-huy-ket-qua-dau-gia-vi-nhieu-vi-pham-phap-luat_180714.html