Yêu thương sẽ tạo ra tất cả

Yêu thương sẽ tạo ra tất cả
10 giờ trướcBài gốc
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Hải tham gia hội thi gia đình văn hóa tiêu biểu cụm Đông Nam bộ năm 2024. Ảnh: Ngọc Lân.
7 giờ tối hàng ngày, các thành viên trong gia đình ông Đặng Lan (phường Bình Thuận) lại kết nối nói chuyện với nhau qua nhóm zalo gia đình. Câu chuyện rôm rả suốt hơn 30 phút vẫn chưa ngừng, từ chuyện học hành, đi lại tại TP. Hồ Chí Minh của bé út, của những rẫy thanh long đang chín tới mà vợ chồng con gái đang ở cách ông bà hơn 30 km, cả tiếng líu lo của các cháu kể về việc học bơi, học đàn... Công nghệ số đã mang đến những tiện ích vượt bậc, nhất là trong bối cảnh có nhiều trở ngại do khoảng cách địa lý. Tiếng nói rộn ràng của con, của cháu, khiến cho ông bà luôn cảm thấy như chúng đang ở gần và thỏa mãn với hạnh phúc tuổi già.
Nhịp sống hối hả và áp lực cơm áo khiến con cái ít có thời gian bên cạnh cha mẹ. Hiểu điều đó, ông bà luôn lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận của con để xóa bỏ khoảng cách giữa các thế hệ, giữ cho gia đình luôn được gần gũi. Mỗi tháng, khi con cháu về nhà một lần và quây quần bên mâm cơm, gia đình lại đề ra quy tắc không dùng điện thoại trong bữa ăn, không làm việc hay học tập trong không gian sinh hoạt chung vào thời gian nghỉ ngơi. Thay vào đó là câu chuyện kể về ông bà tổ tiên cho con cháu, giáo dục truyền thống văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình, dòng họ… việc duy trì những thói quen tưởng như giản đơn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc đã và đang tạo nền tảng vững chắc gắn kết các thành viên.
Mỗi gia đình là một thế giới nhỏ nhưng lại có sức mạnh âm thầm xây nên một xã hội hạnh phúc, nhân văn. Văn hóa gia đình không phải là điều sẵn có, mà cần được gieo trồng, nuôi dưỡng và làm mới từng ngày. Như ngọn lửa, nếu không được tiếp củi và che chắn trước gió sẽ có lúc chỉ còn tàn tro. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa gia đình là vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là bổn phận của từng người dân, từng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Minh Hải - gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền ở phường Phú Thủy chia sẻ: Khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình gia tăng thường là do ba mẹ ít có thời gian tương tác trực tiếp và giao hẳn cho các con thiết bị máy tính, điện thoại trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên với gia đình tôi, ngoài cố gắng làm việc để hoàn thành nhiệm vụ xã hội, tạo dựng kinh tế gia đình thì dù bận rộn, nhưng hai vợ chồng luôn hỗ trợ nhau vào bếp. Tiếng lách cách chén bát va vào cùng mùi thơm của thức ăn quyện trong gian bếp làm cho ngôi nhà sinh động, tràn đầy năng lượng. Cũng trong không gian ấy, cả gia đình được ngồi bên nhau, hỏi thăm, trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện, những tâm tư tình cảm. Mỗi bữa cơm là sự kết nối, nhân lên tình thân, là lúc mà cha mẹ dành trọn cho con sự chăm sóc, yêu thương và cả những lời răn dạy về điều hay, lẽ phải trong học tập, cuộc sống.
Công nghệ số là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, nhưng thay vì để công nghệ dẫn dắt đời sống mỗi người, chúng ta hãy để công nghệ là cầu nối phục vụ cho mục tiêu gìn giữ, nhân lên những giá trị truyền thống bền vững. Đó là việc cùng nhau chia sẻ các khoảnh khắc giản dị bên bữa cơm, cùng nhau tham gia hoạt động thể dục thể thao, trải nghiệm các chuyến du lịch, chăm sóc ông bà… Bởi thế các khẩu hiệu truyền thông trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6/2025) một lần nữa khẳng định yêu thương sẽ tạo ra tất cả. Những giá trị giản dị, bền bỉ là nền tảng ngăn ngừa bạo lực gia đình từ gốc, tạo ra mối đoàn kết, nhất trí từ ông bà, ba mẹ đến các cháu.
Thùy Linh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/yeu-thuong-se-tao-ra-tat-ca-381116.html