Từ chỗ chỉ sử dụng vài chiếc UAV thương mại và tự chế, vốn được Ukraine dùng trong những ngày đầu xung đột để xác định hướng tiến quân của các đoàn xe Nga, đến nay, các phương tiện không người lái đã trở thành nhân tố chi phối chiến trường. Cả hai phía đều triển khai hàng trăm thiết bị không người lái hoạt động liên tục dọc theo chiến tuyến dài 1.200 km.
Ảnh minh họa: Reuters
UAV hiện có thể rải mìn, vận chuyển đạn dược, thuốc men và thậm chí sơ tán binh lính bị thương hoặc thiệt mạng. Quan trọng hơn, chúng phát hiện được mọi chuyển động trên tiền tuyến và được điều động để tấn công binh lính và thiết bị quân sự của đối phương.
Từ UAV đám cưới đến UAV sát thương
Khi Nga điều các đoàn xe bọc thép tiến vào Ukraine tháng 2/2022, Kiev buộc phải nhanh chóng xác định hướng đi của các lực lượng này. Giải pháp khi ấy lại đến từ một thiết bị đơn giản, đó là thiết bị bay không người lái dùng trong đám cưới - loại phương tiện thương mại có giá khoảng 2.000 USD được cải tiến để trinh sát chiến trường.
Các thiết bị này do các tình nguyện viên vận hành, hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các đơn vị quân đội. Chúng giúp lực lượng Ukraine, dù hạn chế hơn về quân số và vũ khí, vẫn có thể biết chính xác nên triển khai ở đâu để chặn bước tiến của Nga.
UAV trinh sát nhanh chóng trở thành phương tiện cần thiết. Thường do các tổ chức thiện nguyện cung cấp, chúng được dùng để xác định vị trí của đối phương, kho hậu cần và sở chỉ huy. Ban đầu, dữ liệu được lưu trong thẻ nhớ và các nhóm phân tích sẽ xem lại sau. Nhưng chỉ trong vòng một năm sau khi xung đột nổ ra, UAV đã có thể truyền hình ảnh trực tiếp, cho phép các pháo thủ điều chỉnh hỏa lực chính xác theo thời gian thực.
Một thay đổi đơn giản nhưng hiệu quả đã biến những thiết bị bay không người lái dùng trong đám cưới thành vũ khí sát thương. Các kỹ thuật viên phát hiện rằng chỉ cần lắp thêm một thiết bị giống như chiếc càng, được in bằng máy in 3D, có thể kích hoạt từ xa thông qua bộ điều khiển bằng cách bật đèn của UAV là có thể thả lựu đạn xuống mục tiêu.
Một vụ nổ như vậy có thể làm bị thương hoặc khiến binh lính đối phương tử trận, hay thậm chí phá hủy cả xe bọc thép nếu nó được thả qua nắp xe. Sau này, các binh lính còn thử nghiệm với các loại chất nổ mạnh hơn, chẳng hạn bằng cách nấu chảy chất nổ từ đạn dược thời Liên Xô và đúc lại trong vỏ nhựa nhẹ.
UAV cảm tử
Không có cải tiến nào tác động mạnh đến cục diện chiến trường bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất – hay còn gọi là FPV. Được gắn chất nổ và điều khiển như một vũ khí cảm tử, FPV lao thẳng vào mục tiêu, biến chúng thành những quả bom giá rẻ.
Dù lượng thuốc nổ mà FPV mang theo không lớn bằng tên lửa, nhưng độ chính xác và số lượng lớn mà Ukraine sản xuất đã giúp chúng đạt hiệu quả tương đương. FPV bắt đầu xuất hiện trên chiến trường từ năm 2022, nhưng phải đến cuối năm 2023 chúng mới thật sự thay đổi cục diện.
Vào mùa đông năm đó, Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo trong lúc chờ gói viện trợ mới từ Mỹ. FPV trở thành giải pháp cứu nguy để đẩy lùi Nga, sử dụng công nghệ có thể sản xuất trong nước và chi phí thấp, cũng như không phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây như tên lửa hay pháo phản lực.
Ngồi trong hầm cách tiền tuyến vài km, người điều khiển chỉ cần đeo kính FPV, kết nối trực tiếp với camera gắn trên UAV để đưa thiết bị bay vào vị trí của đối phương. Về sau, quân đội Nga cũng triển khai rộng rãi FPV. Chính sự xuất hiện dày đặc của chúng là yếu tố làm chậm lại mọi chuyển động trên tiền tuyến. Bất kỳ mục tiêu nào nằm trong bán kính khoảng 20 km tính từ giới tuyến đều có thể bị FPV tấn công - dù chỉ là một binh lính đơn lẻ.
Đôi khi, FPV còn được sử dụng để tấn công sâu trong lãnh thổ đối phương. Trong một chiến dịch táo bạo tháng 6 vừa qua, Ukraine đã bí mật đưa hàng loạt FPV vượt qua hàng trăm km để tấn công các máy bay chiến lược của Nga. Vì nhỏ, nhanh và khó bị phát hiện, FPV rất khó bắn hạ. Biện pháp phòng vệ hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống gây nhiễu điện tử – làm gián đoạn tín hiệu điều khiển giữa UAV và người vận hành.
UAV cáp quang
Mặc dù phần lớn đột phá trong công nghệ UAV trên chiến trường Ukraine đến từ phía Kiev nhưng Nga lại là bên tiên phong trong một cải tiến quan trọng nhất đối với FPV, đó là sử dụng cáp quang nối trực tiếp giữa UAV và người điều khiển để vượt qua các hệ thống gây nhiễu.
Đến năm 2024, mối đe dọa từ FPV khiến việc tiếp tế cho tiền tuyến trở nên cực kỳ nguy hiểm. Ukraine đã tìm ra một giải pháp, đó là sử dụng máy bay không người lái “Vampire” - cái tên ra đời một phần vì có thể hoạt động vào ban đêm nhờ được trang bị camera nhìn đêm.
Với chiều cao khoảng 60 cm, có 6 hoặc 8 cánh quạt và tải trọng lên đến 9 kg, Vampire ban đầu được sử dụng để thả thuốc nổ cỡ lớn, vượt qua khả năng của các loại UAV nhỏ hơn.
Thiết bị không người lái mặt đất sơ tán thương bệnh binh
Hiện nay, thiết bị không người lái không chỉ vận chuyển đạn dược, thực phẩm và nước uống ra tiền tuyến mà còn mang theo pin sạc dự phòng, thậm chí cả bình chữa cháy nhằm giúp binh lính tránh phải băng qua những khu vực nguy hiểm nhất, nơi họ dễ bị UAV đối phương tấn công.
Lực lượng Ukraine cũng bắt đầu triển khai phương tiện không người lái mặt đất để vận chuyển các vật có khối lượng nặng hơn mà Vampire không thể mang nổi.
Các nhà sản xuất thiết bị không người lái đang thử nghiệm các phương tiện điều khiển từ xa trên nhiều loại địa hình, bao gồm ô tô, xuồng và xe việt dã có thể được dùng để sơ tán binh lính bị thương hoặc thi thể binh lính tử trận khỏi chiến trường.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Wall Street Journal